Chờ...

Trị liệu và hỗ trợ tâm lý rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh béo phì

(VOH) - Người bệnh béo phì có nguy cơ trầm cảm cao hơn người bình thường.

Việc được hỗ trợ về mặt tâm lý xuyên suốt quá trình điều trị béo phì sẽ giúp người bệnh vượt qua các trở ngại, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị. Các nghiên cứu cho thấy, có mối quan hệ giữa bệnh béo phì và tình trạng căng thẳng, stress hoặc trầm cảm.

Lý giải điều này, ThS. BS. Nguyễn Minh Mẫn – Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng – Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, nhiều người bệnh béo phì rất nôn nóng tìm được một phương cách nào đó có thể giúp họ nhanh chóng giảm cân. Tuy nhiên, đa số người bệnh lại ngại trao đổi với bác sĩ về vấn đề cân nặng của họ.

bệnh béo phì
ThS. BS. Nguyễn Minh Mẫn tư vấn tâm lý cho người bệnh béo phì

Sự nôn nóng, chưa hiểu rõ phương pháp điều trị cùng với việc có quá nhiều nguồn thông tin chưa chính xác về các loại thực phẩm chức năng, các biện pháp hỗ trợ giảm cân có thể khiến người bệnh béo phì có quyết định sai lầm. Khi những biện pháp này không đem lại hiệu quả như mong muốn, tâm lý của người bệnh lại bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Mặt khác, các yếu tố tâm lý trong đó có tình trạng căng thẳng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra béo phì. Khi tình trạng căng thẳng đạt tới một mức độ nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ rơi vào trầm cảm. Và theo chiều tác động ngược lại, béo phì cũng góp phần làm gia tăng sự nghiêm trọng của căng thẳng hoặc trầm cảm.

Xem thêm: Năm 2050: Thế giới có hơn 4 tỷ người bị thừa cân, trong đó 1,5 tỷ người bị béo phì

Nhiều người bệnh béo phì còn phải chịu đựng sự kỳ thị của những người xung quanh họ. Điều này càng khiến cho tình trạng căng thẳng hoặc trầm cảm trở nên nặng nề hơn. Ngoài ra, việc chất lượng cuộc sống bị giảm rõ rệt, các mối quan hệ xã hội bị thu hẹp, mất niềm tin vào bản thân, có ý định tự tử cũng là những trở ngại về mặt tâm lý mà người bệnh béo phì có thể gặp phải.

Theo ThS. BS. Nguyễn Minh Mẫn, các nghiên cứu đã chứng minh rằng người bệnh có thể giảm 5–10% trọng lượng cơ thể ban đầu trong khoảng thời gian 6 tháng khi được điều trị bằng chương trình tập luyện thể chất, thay đổi chế độ ăn và đặc biệt là các chiến lược thay đổi hành vi, lối sống.

Các bác sĩ tâm lý sẽ giúp người bệnh can thiệp thay đổi hành vi thành công, nâng cao khả năng tự điều chỉnh, từ đó hướng đến việc xây dựng và duy trì những thói quen lành mạnh, góp phần tích cực vào hiệu quả của quá trình điều trị béo phì. Việc trị liệu, hỗ trợ tâm lý cần được tiến hành xuyên suốt quá trình điều trị béo phì từ can thiệp thay đổi lối sống, điều trị bằng thuốc, trước và sau phẫu thuật điều trị béo phì cho tới việc quản lý cân nặng, duy trì hiệu quả giảm cân.