Cảnh báo những sai lầm trong giảm cân

(VOH) - Tại Việt Nam, số lượng người thừa cân béo phì tăng tới 38% trong vòng 5 năm trở lại đây.

Mỗi ngày luôn có hàng triệu người giảm cân bằng cách áp dụng các chế độ ăn kiêng khác nhau, nhưng có đến 95% bị tăng cân trở lại. Ở nhóm người thừa cân béo phì, luôn đối mặt với nguy cơ khó khăn trong điều trị khi mắc bệnh đồng thời nhóm này cũng rất dễ  mắc những bệnh lý như tim mạch, tiểu đường... Đáng ngại hơn, trong nỗ lực giảm cân hay điều trị béo phì, nhiều người chọn những cách thức, phương pháp sai lầm thậm chí có những cách phản khoa học, gây nguy hiểm cho tính mạng.

canh-bao-nhung-sai-lam-trong-giam-cansai lầm trong giảm cân
Tại Việt Nam, số lượng người thừa cân béo phì tăng tới 38% trong vòng 5 năm trở lại đây. (Ảnh minh họa: internet)

Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, bên cạnh đối mặt với áp lực công việc cao, gắn theo đó là lối sống ít vận động, dinh dưỡng mất cân đối. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra nhiều bệnh lí nguy hiểm cho sức khỏe. Và một bệnh lý bắt nguồn từ dinh dưỡng sai lầm cũng như lối sống ít vận động, đó là thừa cân béo phì. Đáng lo hơn, thừa cân béo phì ngày càng trẻ hóa. Người trẻ khi thừa cân béo phì thì nguy cơ về gánh nặng bệnh tật cũng tăng theo. Gần đây, lượng người trẻ đến khám do thừa cân béo phì cũng gia tăng.

Thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, vừa qua có tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân 35 tuổi sinh sống tại thành phố, cao 1m55, nhưng nặng tới gần 65 kg. Cân nặng ảnh hưởng nhiều đến vóc dáng, cũng như hưởng nhiều đến công việc. Bên cạnh đó, chị thường mệt dù chỉ vận động nhẹ. Tự ti về cân nặng của mình và muốn có thể giảm cân nhanh chóng, bệnh nhân đã tìm và sử dụng một loại thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc. Nhưng sau thời gian sử dụng thuốc giảm cân này, chị bị các triệu chứng rối loạn tiêu hóa và nhanh chóng tăng cân trở lại. Khi đến khám tại Phòng khám nội tiết của bệnh viện, các bác sĩ cho biết bệnh nhân bị béo phì, được chỉ định tư vấn điều trị béo phì chuyên sâu bởi sự phối hợp của các chuyên khoa như nội tiết, dinh dưỡng, phục hồi chức năng và tâm lý. Bên cạnh đó, song hành là việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, tăng cường vận động và sử dụng thuốc điều trị các bệnh đi kèm. Sau một tháng, bệnh nhân giảm được 2 kg, cơ thể bớt mệt mỏi và đã làm quen được với chế độ ăn khoa học, bớt cảm giác thèm ăn.

Như chúng ta biết, giảm cân là đòi hỏi cả một quá trình. Trong quá trình đó, chỉ cần sai lầm thì có thể gánh lấy hậu quả nặng nề! Khi giảm cân nóng vội thì việc giảm cân càng gặp bế tắc. Đó là một thực tế, chưa kể trong số đó sẽ gặp rủi ro. Đầu tháng 4 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định về việc thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm bổ sung cà phê Hoàng Gia. Sản phẩm này trước đó đã được một phụ nữ dùng vì nghe theo bạn bè giới thiệu có thể giảm cân rất hiệu quả. Tuy nhiên, uống loại cà phê giảm cân được 4 ngày, người phụ nữ này bỗng nhiên xuất hiện triệu chứng như lạnh toát, khó thở, rồi hôn mê, co giật, phải đi cấp cứu. Kết quả giám định của Viện Pháp y cho thấy trong loại cà phê giảm cân có chứa sibutramine, một chất độc đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong tân dược, thực phẩm chức năng vì những tác dụng nguy hiểm tới sức khỏe người dùng. Vụ việc này cũng là lời cảnh báo với người thừa cân béo phì! Khi bị thừa cân béo phì, trước tiên nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được nghe tư vấn, lập kế hoạch điều trị. Bởi vì thực tế hiện nay, để điều trị hiệu quả căn bệnh này, cần phải kết hợp nhiều chuyên khoa và đòi hỏi một sự tuân thủ kế hoạch giảm cân chặt chẽ từ đội ngũ y tế.

Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Viết Thắng – Phó trưởng khoa Nội tiết - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, khi biện pháp thay đổi lối sống không hiệu quả, người bệnh béo phì có chỉ số BMI từ 30 trở lên hay từ 27 trở lên kèm bệnh lý khác đi kèm sẽ được chỉ định sử dụng thuốc. Các thuốc điều trị béo phì có thể tác dụng vào hệ thần kinh trung ương, chủ yếu có tác dụng làm chán ăn hoặc tác dụng trên đường tiêu hóa làm giảm hấp thu. Tuy nhiên, các thuốc này đều có tác dụng phụ, do đó người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc mà cần có sự chỉ dẫn cụ thể của bác sĩ.

Chia sẻ về phương pháp phẫu thuật trong điều trị béo phì, Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Duy Long – Phó khoa Ngoại Tiêu hóa - Bệnh viện Đại học Y Dược cho hay, phương pháp này dành cho người bệnh có BMI từ 35 trở lên đối với người châu Á. Phương pháp này chỉ áp dụng khi các phương pháp điều trị nội khoa, thay đổi lối sống không hiệu quả.

Vì sao nhiều người luôn nỗ lực và ý thức việc giảm cân nhưng giảm cân không thành công? Lý giải ở góc độ y tế, các bác sĩ cho biết, giảm cân làm thay đổi hệ thống cân bằng của cơ thể khiến người bệnh có cảm giác đói, thèm ăn nên người bệnh sẽ có khuynh hướng ăn nhiều hơn và tăng cân trở lại. Hậu quả là người bệnh khó tuân thủ quá trình giảm cân tiếp theo, dễ bỏ cuộc, tinh thần giảm sút, gia tăng nguy cơ rủi ro cho sức khoẻ. Qua đây các bác sĩ khuyến cáo, nếu người bệnh béo phì không tuân thủ điều trị sẽ có nhiều nguy cơ bị tăng cân trở lại. Chính vì vậy, giảm cân hiệu quả vẫn cần được theo dõi chặt chẽ từ bác sĩ với sự phối hợp đồng bộ đa chuyên khoa mới có thể đạt hiệu quả tối đa và an toàn. Nên nhớ, việc điều chỉnh lối sống cũng như chế độ dinh dưỡng là vấn đề rất quan trọng trong chiến lược giảm cân. Việc này đòi hỏi sự liên tục dài lâu, nhưng nhiều người không kiên trì, muốn nhanh hay đốt cháy giai đoạn, vội tin vào những phương pháp phản khoa học hay tin vào những lời quảng cáo có cánh. Không ít trường hợp đã gặp phải hệ lụy sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tính mạng khi giảm cân theo những cách này.