Theo một báo cáo mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), số ca tử vong trung bình liên quan đến sử dụng rượu quá mức đã tăng hơn 29% từ năm 2016 - 2017 đến năm 2020-2021. Trong năm 2016 - 2017 có 137.927 ca tử vong liên quan đến rượu, nhưng trong năm 2020 - 2021, con số này là 178.307.
Các nhà nghiên cứu từ CDC và Viện Nghiên cứu Sử dụng Chất gây nghiện Canada đã tìm ra tổng cộng 58 nguyên nhân tử vong liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc sử dụng rượu quá mức.
Uống rượu quá mức có thể dẫn đến tử vong liên quan trực tiếp, chẳng hạn như bệnh gan do rượu, ngộ độc rượu, tự tử do sử dụng rượu quá mức, tai nạn và té ngã, cùng nhiều bệnh khác.
Tử vong cũng có thể một phần do sử dụng rượu quá mức, chẳng hạn như viêm gan mãn tính và một số bệnh ung thư, bệnh tim và đột quỵ.
Sự gia tăng số ca tử vong liên quan đến rượu quá mức dường như xảy ra ở mọi lứa tuổi và mặc dù có nhiều ca tử vong liên quan đến rượu ở nam giới hơn nhưng mức tăng ở phụ nữ lại lớn hơn.
Đối với phụ nữ, tỷ lệ tử vong do sử dụng rượu quá mức đã tăng khoảng 35% trong giai đoạn 2016 - 2017 đến 2020 - 2021 và tỷ lệ tử vong do bệnh tim và đột quỵ cao nhất. Tử vong do uống rượu quá mức ở nam giới tăng gần 27% trong cùng khoảng thời gian đó, với hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến các bệnh mãn tính do rượu gây ra.
Sự gia tăng số ca tử vong liên quan đến uống rượu quá mức được ghi nhận trong nghiên cứu này không phải là một xu hướng riêng biệt. CDC cho biết trong hai thập kỷ qua, số ca tử vong do sử dụng rượu quá mức ngày càng gia tăng ở Mỹ.
Các nghiên cứu trước đây phát hiện ra rằng, mọi người mua nhiều rượu hơn, đặc biệt là rượu mạnh và rượu vang trong thời gian đầu của đại dịch. Một nghiên cứu khác đã cho thấy, tình trạng uống rượu say sưa ở những người trưởng thành trong độ tuổi từ 35 đến 50 vào năm 2022 cao hơn bất kỳ năm nào khác trong thập kỷ qua.
Báo cáo mới đề cập rằng, các chính sách dễ dàng cho phép giao rượu và mang theo đồ uống trong thời kỳ đại dịch đã khiến việc uống rượu trở nên dễ hơn. Một số người cũng trì hoãn việc nhận trợ giúp từ bác sĩ hoặc bệnh viện do sợ mắc Covid-19.
“Căng thẳng, cô đơn và cô lập với xã hội; cùng tình trạng sức khỏe tâm thần cũng có thể góp phần làm tăng số ca tử vong do sử dụng quá nhiều rượu trong đại dịch Covid-19”, báo cáo cho biết.
Các tác giả nghiên cứu đề nghị các bang nên xem xét việc tạo ra các chính sách nhằm hạn chế khả năng tiếp cận rượu của người dân và tăng giá rượu, chẳng hạn như tăng một số loại thuế nhất định đối với rượu.