1. Ngủ ngáy là hiện tượng như thế nào?
Ngáy ngủ là hiện tượng luồng không khí mà một người ít vào khi đang ngủ, lúc đi qua một vùng hẹp ở đường hô hấp trên sẽ tác động làm cho niêm mạc các mô xung quanh rung lên tạo nên một loại âm thanh đặc trưng, gọi là tiếng “ngáy”. Vùng bị hẹp có thể là vùng mũi, miệng hoặc họng. Hiện tượng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường thấy nhiều nhất là ở người béo phì, người lớn trên 50 tuổi.
1.1 Nguyên nhân gây ngủ ngáy
Theo BS CKII Trần Cao Khoát (Khoa Tai Mũi Họng, BV Tai Mũi Họng SG), có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ngáy ngủ, nhưng phần lớn các trường hợp là do:
- Bị tắc nghẽn đường hô hấp trên liên quan đến vùng tai mũi họng, cụ thể là các bệnh lý như: Vẹo vách ngăn, quá phát cuốn mũi, viêm xoang....
- Người bị viêm VA, viêm amidan quá phát cũng gây ra tình trạng ngáy ngủ.
- Người có bất thường ở vùng hàm mặt.
- Người bị thừa cân, béo phì.
Ngủ ngáy do nhiều nguyên nhân gây ra (Nguồn: Internet)
1.2 Triệu chứng nhận biết tình trạng ngáy ngủ
Thông thường triệu chứng ngáy ngủ sẽ được chia ra thành 3 cấp độ khác nhau.
- Cấp độ 1: Ngáy ít, thì thỉnh thoảng mới bị ngáy, tiếng ngáy không to và khi thay đổi vị trí nằm thì sẽ ngừng ngáy.
- Cấp độ 2: Ngáy vừa phải, tiếng ngáy to hơn và thường xuyên hơn. Khi nằm ngủ ở tư thế nghiêng sẽ hết ngáy.
- Cấp độ 3: Đây là mức độ nặng nhất với tiếng ngáy rất lớn ở mọi tư thế nằm, tần suất ngáy diễn ra liên tục (không có giai đoạn ngắt quãng) và có thể kèm theo triệu chứng nghẹt thở nhất thời.
2. Ngủ ngáy ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Chứng ngáy ngủ kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề như:
- Gây ồn ào xung quanh, khiến người khác khó chịu và khó ngủ, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ của những người trong gia đình.
- Ngáy ngủ có thể gây mất ngủ và khó ngủ dẫn đến mệt mỏi, kém tập trung làm ảnh hưởng đến khả năng làm việc, giảm nhu cầu và khả năng hoạt động tình dục.
Ngủ ngáy gây phiền toái đến giấc ngủ của người bên cạnh (Nguồn: Internet)
- Ngáy ngủ có thể gây giảm thiểu sự cung cấp oxy trong máu, khiến tim phải làm việc nhiều, từ đó dễ dẫn đến các bệnh lý như: suy tim, cao huyết áp, tăng tuần hoàn phổi gây xơ phổi, tắc nghẽn phổi...
- Trường hợp trẻ em ngủ ngáy liên tục có thể dẫn đến biến dạng khuôn mặt (hàm bị hô ra). Thiếu oxy trong khi ngủ khiến giấc ngủ không hoàn chỉnh, dẫn đến trí tuệ và tinh thần có thể sẽ không phát triển bình thường và đưa đến một số hội chứng rối loạn tâm lý.
Đặc biệt, người ngủ ngáy có thể dẫn đến chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là một hội chứng nguy hiểm vì có thể khiến người bệnh bị ngừng thở một vài giây khi ngủ và là tiền đề cho nhiều bệnh lý khác hình thành và phát triển.
3. Chẩn đoán và điều trị chứng ngủ ngáy bằng cách nào?
BS CKII Trần Cao Khoát cho biết, chẩn đoán ngủ ngáy thường dựa vào lời khai của bệnh nhân và thân nhân người bệnh cũng như thực hiện đo đa ký giấc ngủ. Khi đo đa ký giấc ngủ bác sĩ sẽ có đầy đủ dữ liệu liên quan đến hiện tượng ngáy ngủ một cách chính xác nhất, từ đó sẽ đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp.
Dựa vào nguyên nhân gây ngủ ngáy bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp (Nguồn: Internet)
Thông thường, bác sĩ sẽ điều trị chứng ngủ ngáy theo từng nguyên nhân.
- Trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể không cần can thiệp phẫu thuật, chỉ cần thay đổi lối sống sinh hoạt, giữ cân nặng phù hợp không để bị béo phì. Đồng thời điều trị tốt một số bệnh lý đường hô hấp trên đặc biệt là vùng tai mũi họng, những bệnh lý về viêm amidan, VA, bệnh lý về mũi xoang...
- Nếu ngáy mức độ nặng hơn thì có thể sử dụng máy thở CPAP để tạo ra một áp lực dương khi thở giúp chống xẹp phổi khi ngủ.
- Trong trường hợp xác định nguyên nhân gây ngáy ngủ là do tắc nghẽn đường hô hấp trên và cần phải can thiệp thì phẫu thuật can thiệp thường áp dụng là: Phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn để làm bớt tắc nghẽn đường hô hấp trên. Có thể cắt cuống mũi, nạo VA, cắt amidan, chỉnh hình màng hầu.
- Ngoài ra, với trường hợp mặt có biến dạng hoặc có dị dạng gây ngáy thì bác sĩ sẽ có những chỉ định phẫu thuật chỉnh hình hàm mặt.
4. Các biện pháp phòng ngừa chứng ngủ ngáy
Vấn đề ngáy và tắc nghẽn ngưng thở là một hiện tượng rất phổ biến và thường gặp với tất cả mọi người. Do đó, để chủ động phòng ngừa căn bệnh này bạn cần:
- Xây dựng một lối sống sinh hoạt chuẩn mực, lành mạnh, tập thể dục thể thao đều độ, ăn uống hợp lý để tránh tình trạng tăng cân.
- Điều trị tích cực các bệnh lý vùng tai mũi họng như bệnh lý viêm mũi dị ứng gây nghẹt mũi, bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản và những bệnh lý toàn thân như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch.
- Khi có tình trạng ngáy mức độ nhẹ nên chọn những tư thế thích hợp để nằm thở được thoải mái, giúp thông mũi giảm ngáy. Nếu gặp tình trạng ngáy liên tục nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được khám và tư vấn về một chế độ điều trị tốt.
Nhìn chung, chứng ngủ ngáy có thể do nhiều nguyên nhân gây. Việc điều trị hiệu quả nhất chính là tìm ra được nguyên nhân để chữa tận gốc và kết hợp thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày để phòng ngừa bệnh được tốt hơn.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới: