Tiến sĩ. Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng - Trưởng Trung tâm Khoa học thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ - Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, rung nhĩ có khả năng làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ lên 5 lần do sự hình thành huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu não.
Việc duy trì điều trị bằng thuốc kháng đông có vai trò vô cùng quan trọng trong dự phòng đột quỵ cho người bệnh rung nhĩ.
Tuy nhiên, hiện nay những ảnh hưởng của dịch COVID-19 có thể gây hạn chế trong việc di chuyển, người bệnh ngừng tái khám hoặc tự ý ngừng hoặc thay đổi liều thuốc. Đây là sai lầm rất nguy hiểm vì có thể làm giảm hiệu quả thuốc, gây hình thành huyết khối và có thể dẫn đến đột quỵ.
Ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh, người bệnh vẫn cần được theo dõi sát sao để thực hiện các xét nghiệm và điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp. Trong trường hợp không thể tái khám tại bệnh viện, người bệnh nên chủ động trao đổi trước với Bác sĩ điều trị về tình trạng sức khỏe của mình thông qua điện thoại, các ứng dụng kết nối trực tuyến hoặc các kênh thông tin chính thống của bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
Tiến sĩ. Bác sĩ Bùi Thế Dũng -Trưởng khoa Nội tim mạch - Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố cũng lưu ý, nhóm thuốc kháng đông đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và hạn chế biến chứng đột quỵ ở người bệnh rung nhĩ. Tùy vào tình trạng sức khỏe người bệnh và các triệu chứng đi kèm mà các Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng đông phù hợp. Người bệnh rung nhĩ được chỉ định sử dụng thuốc kháng đông cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của Bác sĩ để tránh các biến chứng đáng lo ngại như xuất huyết dưới da, tương tác với các loại thuốc khác… Việc tự ý sử dụng thuốc khác hoặc thay đổi liều lượng không thông qua ý kiến của Bác sĩ điều trị có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ. Bác sĩ Bùi Thế Dũng cũng lưu ý thêm, đối với chế độ sinh hoạt hằng ngày, người bệnh cần tránh các hoạt động mạnh để tránh chấn thương và chú ý không uống thuốc kháng đông kháng vitamin K sau bữa ăn có nhiều thực ẩm chứa vitamin K như rau xanh, trái bơ... Người bệnh có thể chủ động trang bị cho mình các kiến thức về việc điều trị thuốc kháng đông tại các trang thông tin chính thống hoặc các câu lạc bộ người bệnh.
Trong trường hợp người bệnh rung nhĩ đang sử dụng thuốc kháng đông bị nhiễm COVID-19, người bệnh vẫn phải duy trì thuốc kháng đông đang uống hoặc đổi sang kháng đông dạng tiêm. Vì vậy người bệnh phải thông báo với Bác sĩ đang điều trị COVID-19 về loại thuốc kháng đông mình đang dùng để được tư vấn sử dụng thuốc phù hợp.