Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Người cao tuổi ăn Tết thế nào để vừa khỏe vừa vui?

(VOH) - Thực đơn ngày Tết vốn nhiều thịt, dầu mỡ và đường, do đó, mọi người, đặc biệt là người cao tuổi cần lưu ý để đảm bảo sức khỏe, tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sẽ khác rất nhiều những cái Tết truyền thống trước đây bởi dịch Covid-19 khiến những cuộc tụ tập, chúc tụng đầu năm giảm đi nhiều. Dù vậy, Tết ở mỗi nhà vẫn không thể thiếu các món như giò chả, bánh chưng, thịt kho tàu, mứt Tết… - những món ăn không thể thiếu dịp xuân về.

Để gìn giữ sức khỏe, tăng sức đề kháng và ngừa lây nhiễm dịch bệnh, mỗi người, mỗi nhà, đặc biệt là đối với người cao tuổi cần xây dựng bữa ăn lành mạnh, ăn Tết mà không hao mòn sức khỏe.

nguoi-cao-tuoi-an-tet-the-nao-de-vua-khoe-vua-vui-voh.com.vn-anh1
Người cao tuổi cần duy trì bữa ăn lành mạnh trong dịp Tết. Ảnh minh họa: internet

Dưới đây là một số điều “nên” và “không nên” liên quan tới chế độ ăn uống trong dịp Tết dành cho người cao tuổi.

1. Nên ăn bổ sung rau, trái cây tươi

Một số thói quen xấu trong ngày Tết mà nhiều người thường mắc phải là ăn uống thất thường, ăn quá no, ăn nhiều bữa, ăn nhiều đồ ngọt... Điều này không hề tốt, đặc biệt là đối với người cao tuổi – nhóm người vốn mang trong mình nhiều bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, xương khớp…

Chế độ dinh dưỡng dành cho người cao tuổi trong dịp Tết phải đảm bảo cân bằng 3 nhóm: tinh bột, chất đạm-béo và rau quả giàu chất xơ. Do đó, để cơ thể khỏe, người cao tuổi cần duy trì chế độ ăn uống cân bằng, ăn vừa đủ các thức ăn như bánh chưng, giò chả… và tăng cường thêm rau xanh, trái cây để dễ tiêu hóa hơn.

Người cao tuổi cũng nên ăn những món rau, củ được nấu kỹ hơn bình thường do răng và hệ tiêu hóa đã yếu. Ưu tiên các món ăn luộc, hấp và hạn chế thức ăn chiên, xào; ăn các loại trái cây tươi nhiều chất xơ, vitamin và chất khoáng như canxi, vitamin D…, giúp chống oxi hóa có thể kể tới như táo, ổi, cam, quýt, xoài...

Trong bữa cơm, người cao tuổi nên rau và các thực phẩm chứa nhiều chất xơ trước, sau đó ăn thực phẩm chứa chất đạm, cuối cùng ăn cơm.

2. Nên ăn cá trong bữa ăn ngày Tết

Thay vì ăn nhiều thịt (lợn, gà, bò) và đồ nếp vào ngày Tết, người cao tuổi nên bổ sung thêm món cá vì protein trong cá dễ hấp thụ, giúp bao tử làm việc dễ dàng hơn, không lo bị khó tiêu.

Ngoài ra, trong cá chứa chất béo không bão hòa, không gây hại cho sức khỏe. Việc bổ sung cá vào thực đơn ngày Tết cũng khiến cho bữa ăn ngày Tết trở nên phong phú, ngon miệng và đỡ ngán hơn.

3. Nên ăn sữa chua mỗi ngày

Trong dịp Tết, người cao tuổi nên duy trì ăn 1 hộp sữa chua/ngày để giúp đường ruột làm việc tốt hơn, không bị đầy hơi, khó chịu, ngoài ra còn giúp tăng hệ miễn dịch, bảo vệ sức khỏe. 

nguoi-cao-tuoi-an-tet-the-nao-de-vua-khoe-vua-vui-voh.com.vn-anh2
Người cao tuổi nên ăn sữa chua mỗi ngày để tiêu hóa tốt hơn.

Hiện sữa chua có nhiều vị khác nhau nên người cao tuổi có thể dễ dàng lựa chọn những loại sữa chua có vị trái cây phù hợp nhất với mình để có cảm giác ngon miệng hơn.

4. Nên ăn đúng bữa, đúng giờ

Người cao tuổi nên ăn đúng bữa, đúng giờ. Nếu mắc một số bệnh như tiểu đường, gan, thận, trĩ... thì cần tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc này bởi nếu ăn uống không đúng giờ, ăn uống quá no, quá nhiều dễ khiến tăng đường, tăng giảm huyết áp đột ngột hoặc khiến bệnh trầm trọng hơn.

Ngoài ra, nên ăn đủ các bữa chính trong ngày, các bữa phụ nên ăn ít để tránh bị đầy hơi, bữa chính ăn không ngon miệng.

5. Nên uống nhiều nước

Ở người cao tuổi, cảm giác khát nước giảm đi khiến họ không bổ sung đủ nước cho cơ thể. Vì vậy, cần nhớ tăng cường uống nước, bổ sung khoảng 40 ml cho một kg thể trọng.

Để tăng sức đề kháng phòng chống mọi loại virus gây bệnh đặc biệt là Covid-19, người cao tuổi nên uống nhiều nước ngay cả khi không khát. Có thể uống nước lọc, nước trà, nước hoa quả để tăng sức đề kháng; uống một cốc nước ấm trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy. 

6. Không nên uống nhiều rượu bia, đồ uống có cồn, có ga

Người cao tuổi cần hạn chế uống các chất kích thích như rượu, bia, nước ngọt có ga... Người bị bệnh gout kết hợp đái tháo đường nên kiêng hoàn toàn các loại rượu, bia, cà phê, chè...

Nếu muốn chung vui cùng các thành viên trong gia đình, người cao tuổi chỉ nên uống một ly nhỏ rượu vang. Một lượng nhỏ rượu vang đỏ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ hơn bất kỳ loại đồ uống có cồn nào.

Một số nghiên cứu cho thấy, những người uống khoảng 150 ml rượu vang đỏ mỗi ngày dường như có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn khoảng 32% so với những người không uống vì lượng nhỏ vang đỏ có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch bằng cách giữ lại HDL-cholesterol trong máu.

Ngoài ra, các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng rượu vang đỏ có tác dụng tốt với những người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh tim cao, hay nó cũng có tác dụng làm giảm nguy cơ đột quỵ ở nam giới hoặc làm giảm huyết áp.

7. Không nên ăn nhiều đồ ngọt, mặn, tinh bột, mỡ

Bánh kẹo, mứt, trái cây sấy... là những loại thực phẩm chứa nhiều đường, vì thế, ăn nhiều mứt, trái cây sấy khô (kể cả loại sấy không đường) vẫn không tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, một số loại trái cây khi sấy sẽ bị mất hoặc giảm lượng chất dinh dưỡng, nên ăn trái tươi vẫn là tốt nhất..

Với chế độ sinh hoạt ăn nhiều, vận động ít trong những ngày Tết, mà còn tiếp tục ăn các thức ăn nhiều đường sẽ khiến người trẻ dễ tăng cân, còn người cao tuổi sẽ gặp nhiều vấn đề sức khỏe bởi đường huyết tăng cao.

nguoi-cao-tuoi-an-tet-the-nao-de-vua-khoe-vua-vui-voh.com.vn-anh3
Bữa ăn ngày Tết khá nhiều chất, người cao tuổi nên cân nhắc ăn vừa phải các chất béo, tinh bột mà ăn nhiều rau xanh, trái cây. Ảnh minh họa: internet

Người cao tuổi cũng không nên ăn đồ mặn, hạn chế ăn đồ muối như dưa muối, kiệu muối (tổng lượng muối trong khẩu phần dưới 5g/người/ngày) để phòng tránh một số bệnh tim mạch, huyết áp.

Dịp Tết, người cao tuổi tường hạn chế ăn cơm, nhưng lại ăn nhiều hơn các món bánh chưng, miến, xôi. Đây là những món chứa nhiều tinh bột, người cao tuổi không cần kiêng hoàn toàn nhưng không nên ăn quá nhiều.

Không nên ăn các thức ăn có nhiều mỡ như thịt đông, giò mỡ, giò thủ, thịt mỡ, nội tạng động vật... mà ăn thịt nạc, cá, giò lụa và các chất đạm có nguồn gốc thực vật như: đậu đỗ, đậu phộng, mè, chứa nhiều chất xơ, có tác dụng giữ cholesterol thừa trong ống tiêu hóa, sau đó nó được thải ra ngoài.

Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, phần lớn trong số này mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành… Trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh, trên 80 tuổi 6,8 bệnh.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát, người cao tuổi chính là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đặc biệt, với người cao tuổi có các bệnh lý nền khi mắc Covid-19 sẽ khiến bệnh tiến triển nặng và nguy cơ tử vong cao hơn.

Do đó, việc chăm sóc sức khỏe, chủ động phòng bệnh đối với người cao tuổi trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 là vô cùng cần thiết.

Ngoài việc duy trì chế độ dinh dưỡng như trên, trong dịp Têt này, người cao tuổi cần thực hiện nghiêm những khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng, ngừa Covid-19 như:

  • Luôn luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài;
  • Hạn chế đến thăm người thân trong dịp Tết, nếu đi cần giữ khoảng cách tiếp xúc;
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn;
  • Thực hiện khai báo y tế; cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày; giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế...

Ngoài ra, cần chú ý thực hiện tốt môt số biện pháp khácnhư:

  • Uống đủ nước;
  • Điều trị đúng, đủ và hiệu quả các bệnh lý nền đang mắc, ví dụ kiểm soát tốt huyết áp, đường máu, duy trì ổn định bệnh lý tim mạch;
  • Nên ăn uống đủ chất và đảm bảo ăn 3-4 bữa mỗi ngày, ăn nóng, thức ăn nên luộc, hấp nấu chín mềm. Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1-2 cốc mỗi ngày; hạn chế ra ngoài.
  • Môi trường sinh hoạt của người cao tuổi nên được thông thoáng, thường xuyên mở cửa sổ, tuy nhiên cũng cần tránh gió lùa trực tiếp;
  • Ngoài ra, người cao tuổi nên chú ý đến giấc ngủ. Mỗi đêm, người cao tuổi cần ngủ 7-8 tiếng và ngủ trưa từ 30 phút đến 1 tiếng một ngày, ngủ đúng giờ;
  • Vận động thường xuyên cũng là cách rất tốt để tăng sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật... Người cao tuổi cần duy trì chế độ tập thể dục, tập dưỡng sinh hay đi bộ vừa sức để khí huyết được lưu thông; không nên đi xa quá, không đi chơi khuya. Những ngày thay đổi thời tiết, trời rét hay mưa phùn, người cao tuổi nên vận động ở trong nhà.
  • Khi có các triệu chứng sốt, ho, khó thở thì cần báo ngay với các cơ sở y tế để có ngay các biện pháp hỗ trợ, điều trị cũng như cách ly kịp thời.
Vinamilk

 

Bình luận