Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Người nước ngoài lưu trú dài hạn tại Nhật Bản sẽ phải kiểm tra bệnh lao trước khi nhập cảnh

VOH - Nhật Bản đang xây dựng kế hoạch sàng lọc bệnh lao bắt buộc trước khi nhập cảnh đối với những người nước ngoài có kế hoạch lưu trú trung và dài hạn tại nước này.

Thông tin trên được Bộ trưởng Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Keizo Takemi cho biết vào ngày 16/11.

Kế hoạch sàng lọc bệnh lao nhắm tới công dân đến từ các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Myanmar, Nepal, Philippines và Việt Nam. Hầu hết người nước ngoài được chẩn đoán mắc bệnh truyền nhiễm khi ở Nhật Bản đều đến từ 6 quốc gia này.

bệnh lao
Xét nghiệm Xpert MTB/RIF là một trong những phương pháp xét nghiệm ứng dụng sinh học phân tử dành cho việc chẩn đoán lao.

Yêu cầu sàng lọc sẽ áp dụng cho những công dân có quốc tịch của các quốc gia trên, thường cư trú tại đó và có dự định ở lại Nhật Bản lâu hơn 3 tháng cho các mục đích như học tập hoặc làm việc. 

Các đối tượng sẽ có nghĩa vụ cung cấp bằng chứng rằng họ không bị nhiễm bệnh lao trước khi đến, nếu không sẽ bị từ chối nhập cảnh.

Bộ trưởng Takemi phát biểu tại một phiên họp của ủy ban Hạ viện: “Chúng tôi đang thực hiện những sắp xếp cuối cùng để khởi động hệ thống trong năm tài chính tiếp theo”. Năm tài chính của Nhật Bản bắt đầu vào tháng Tư hàng năm.

Chính phủ Nhật Bản trước đây đã cân nhắc việc áp dụng hệ thống sàng lọc bệnh lao bắt buộc vào dịp khai mạc Thế vận hội và Paralympic Tokyo diễn ra vào năm 2021, nhưng kế hoạch này đã bị hoãn lại do đại dịch Covid-19.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dù bệnh lao có thể chữa được và phòng ngừa được nhưng tổng cộng 1,3 triệu người đã chết vì căn bệnh này vào năm 2022 và đây là căn bệnh lây nhiễm nguy hiểm thứ hai sau Covid-19.

Tại Nhật Bản, số bệnh nhân mắc bệnh lao lần đầu tiên giảm xuống mức 9,2 người mắc/100.000 người vào năm 2021, đưa quốc gia châu Á này vào danh sách các quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh thấp của WHO. 

Theo Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi, con số này giảm xuống còn 8,2 người mắc/100.000 người vào năm 2022.

Theo WHO, bệnh lao thường được điều trị bằng kháng sinh và có thể gây tử vong nếu không điều trị.