Chờ...

Người phụ nữ bị nhiễm trùng sau khi tiêm filler cằm

VOH - Bệnh nhân là chị L. (36 tuổi) đến bệnh viện Da liễu trung ương điều trị sau khi phát hiện có khối sưng, đỏ, đau vùng cằm kèm theo sốt.

Các bác sĩ phát hiện dịch mủ chảy trong khoang miệng bệnh nhân.

Bác sĩ Vũ Nguyên Bình - khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng - Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết qua thăm khám bệnh nhân được chẩn đoán áp xe cằm sau tiêm filler và được chỉ định chích rạch lấy khối filler nhiễm trùng ở vùng cằm.

Bệnh nhân bị áp xe cằm sau khi tiêm filler tại một spa - Ảnh: BVCC
Bệnh nhân bị áp xe cằm sau khi tiêm filler tại một spa - Ảnh: BVCC

"Bệnh nhân được điều trị thuốc toàn thân kết hợp với chăm sóc tại chỗ, các triệu chứng sưng nóng đỏ đau vùng cằm giảm dần. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có nguy cơ tái phát do không thể lấy bỏ toàn bộ filler ra khỏi vùng tổn thương và vùng cằm để lại sẹo", bác sĩ Bình cho hay.

Nếu sử dụng filler kém chất lượng hoặc bị cấm sử dụng sẽ hình thành nên các dị vật trong da, u hạt, khối sưng viêm, gây nên tình trạng nhiễm trùng tái phát nhiều đợt, khó có thể điều trị dứt điểm.

Một số cơ sở thẩm mỹ sử dụng sản phẩm filler không rõ nguồn gốc, kém chất lượng hoặc đã bị cấm sử dụng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như tắc mạch, hoại tử tổ chức, có thể gây mù vĩnh viễn nếu khối filler làm tắc động mạch mắt.