1. Những nguyên nhân gây chèn ép dây thần kinh
Bạn có thể bị chèn ép dây thần kinh do chấn thương lặp đi lặp lại. Những chấn thương này có thể xảy ra tại nơi làm việc do các chuyển động liên tục liên quan đến công việc của bạn. Ví dụ như lặp đi lặp lại tư thế duỗi cổ tay quá mức trong khi gõ bàn phím, sử dụng chuột máy tính hoặc chơi piano có thể dẫn đến hội chứng ống cổ tay, gây chèn ép dây thần kinh.
Các bệnh về cơ xương khớp là nguyên nhân chủ yếu gây chèn ép dây thần kinh (Nguồn: Internet)
Các tai nạn như bông gân, rạn xương và gãy xương cũng có thể gây ra chèn ép dây thần kinh.
Ngoài ra, một số tình trạng bệnh lý cũng có thể ảnh hưởng và gây chèn ép lên dây thần kinh như:
- Bệnh tiểu đường: Bệnh nhân tiểu đường dễ bị chèn ép dây thần kinh hơn người khỏe mạnh. Lượng đường và chất béo cao trong máu có thể làm tổn hại dây thần kinh và các mạch máu nuôi dưỡng chúng.
- Rối loạn tự miễn như viêm khớp dạng thấp.
- Rối loạn chức năng tuyến giáp.
- Huyết áp cao.
- Các khối u và u nang.
- Mang thai hoặc mãn kinh.
- Bệnh béo phì.
- Các khiếm khuyết bẩm sinh.
- Các rối loạn về dây thần kinh.
Các nguyên nhân này sẽ làm giảm lưu lượng máu đến các dây thần kinh, gây sưng phù các dây thần kinh và các cấu trúc xung quanh, tổn thương vỏ bao dây thần kinh hay làm thay đổi về cấu trúc trong dây thần kinh.
2. Dấu hiệu nhận biết dây thần kinh bị chèn ép
Nếu dây thần kinh chỉ bị chèn ép tạm thời thì các triệu chứng sẽ hết sau khi cơ thể được nghỉ ngơi hay điều trị hợp lý. Tuy nhiên, nếu những áp lực lên dây thần kinh không được kiểm soát thì có thể dẫn đến mãn tính và gây ra những tổn thương vĩnh viễn.
Dây thần kinh có thể bị chèn ép ở rất nhiều vị trí trên cơ thể như:
- Chèn ép dây thần kinh cổ tay, cánh tay.
- Chèn ép dây thần kinh cột sống.
- Chèn ép dây thần kinh đốt sống cổ.
- Chèn ép dây thần kinh tọa…
Dù xuất hiện ở vị trí nào thì chèn ép dây thần kinh cũng sẽ gây ra những triệu chứng như sau:
2.1 Có cảm giác như bị kim châm
Chức năng của dây thần kinh là truyền tín hiệu từ nơi này đến nơi khác trong cơ thể. Do đó, bất cứ điều gì làm gián đoạn các tín hiệu này đều xuất hiện triệu chứng bị tê như kim châm. Cảm giác bị tê như kim châm thường là biểu hiện cho thấy dây thần kinh cảm giác đang bị chèn ép.
Dây thần kinh bị chèn ép sẽ gây cảm giác tê như kim châm (Nguồn: Internet)
2.2 Cơn đau nhức dữ dội
Điều này xảy ra là do một nơi nào đó gần dây thần kinh bị viêm và sưng, khiến dây thần kinh bị chèn ép. Một nguyên nhân khác là chính dây thần kinh bị viêm, trường hợp thường gặp nhất là chứng đau thần kinh tọa.
2.3 Bị yếu cơ ở một vùng nào đó
Suy yếu cơ bắp thường là dấu hiệu cảnh báo dây thần kinh vận động đang bị chèn ép. Dây thần kinh vận động có nhiệm vụ mang tín hiệu thần kinh từ não đến cơ. Cơ yếu là dấu hiệu cho thấy sự kết nối thần kinh đang gặp vấn đề.
3. Bị chèn ép dây thần kinh phải làm sao?
Khi bị chèn ép dây thần kinh thì bạn nên cho các khu vực bị tổn thương được nghỉ ngơi và tránh bất kỳ hoạt động nào làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục hoặc đau nặng hơn thì hãy đi khám bác sĩ.
Bạn có thể cần một hoặc nhiều phương pháp điều trị để thu nhỏ các mô bị sưng xung quanh dây thần kinh. Trong các trường hợp nặng hơn, bạn có thể cần được loại bỏ mô chèn ép lên dây thần kinh như mô sẹo, đĩa đệm, mảnh xương. Việc điều trị có thể dùng thuốc, vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.
Nếu bị chèn ép dây thần kinh do bệnh viêm khớp thì cần chữa dứt điểm để khắc phục tình trạng này (Nguồn: Internet)
Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Chườm lạnh vùng bị ảnh hưởng trong 10 – 15 phút.
- Bôi tinh dầu bạc hà.
- Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp.
- Giữ ấm vùng bị ảnh hưởng.
Nếu béo phì là nguyên nhân gây ra hội chứng chèn ép dây thần kinh, bạn nên giảm cân để cải thiện các triệu chứng.