Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Điều trị viêm khớp dạng thấp sao hiệu quả nhất?

(VOH) - Điều trị viêm khớp dạng thấp đòi hỏi người bệnh phải kiên trì, phối hợp nhiều với biện pháp khác nhau mới mang lại hiệu quả tốt nhất.

1. Viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi không?

Viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là bệnh viêm đa khớp dạng thấp, bệnh gây viêm (đỏ và sưng) dẫn đến đau, xơ cứng và sưng khớp. Bệnh viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở khớp tay, khớp lưng, khớp bàn chân và khớp gối. Bệnh gây ra do tình trạng rối loạn tự miễn của cơ thể.

dieu-tri-viem-khop-dang-thap-sao-hieu-qua-nhat-voh-1

Viêm khớp dạng thấp cần phát hiện sớm để điều trị dễ dàng, tránh biến chứng (Nguồn: Internet)

Bệnh viêm khớp dạng thấp không chỉ là một bệnh ở khớp mà là một hệ thống. Bệnh mang tính chất mạn tính, kéo dài, để lại nhiều hậu quả xấu, có thể gây tàn phế. Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh sớm và thăm khám kịp thời cũng như tích cực điều trị thì người bệnh có thể tránh khỏi những hậu quả nặng nề.

Bên cạnh tích cực chữa viêm khớp dạng thấp, người bệnh cần có chế độ sinh hoạt, tập luyện và ăn uống hợp lý thì có thể chữa khỏi các triệu chứng viêm khớp dạng thấp, giảm sưng và đau hiệu quả.

2. Nguyên tắc điều trị viêm khớp dạng thấp

Để chữa viêm khớp dạng thấp hiệu quả, cần dựa vào các nguyên tắc như:

  • Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính kéo dài, việc điều trị phải kiên trì liên tục, có khi cả cuộc đời người bệnh.
  • Sử dụng nhiều biện pháp: nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu, chỉnh hình, lao động liệu pháp, đông y châm cứu.
  • Tùy theo từng giai đoạn bệnh mà điều trị nội trú, ngoại trú, điều dưỡng, Đông – Tây y kết hợp.
  • Quá trình điều trị cần có sự thăm khám và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp.

3. Cách chữa viêm khớp dạng thấp

3.1 Điều trị nội khoa

Cách điều trị viêm khớp dạng thấp phổ biến nhất là sử dụng thuốc. Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp bao gồm:

Thuốc điều trị triệu chứng

Bao gồm thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid và glucocorticoid. Các thuốc chữa viêm khớp dạng thấp này không có tác dụng bảo vệ cấu trúc của khớp.

  • Các thuốc giảm đau thường dùng bao gồm một thành phần là paracetamol, tramadol hay kết hợp chẳng hạn như paracetamol kết hợp với codein hoặc tramadol hoặc dextropropoxyphene.
  • Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) có đáp ứng thay đổi tùy bệnh nhân nhưng thường gây tác dụng phụ trên đường tiêu hoá và chức năng thận.
  • Các thuốc glucocorticoid dùng đường truyền tĩnh mạch hoặc đường uống, chỉ dùng nhóm prednison, prednisolon hoặc methylprednisolon.

Thuốc điều trị căn bản

Gồm các thuốc có tác dụng thay đổi diễn tiến của bệnh. Bác sĩ có thể cho người bệnh dùng thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD), loại thuốc này có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp và ngăn ngừa các tổn thương vĩnh viễn ở khớp.

Thuốc sinh học

Nhờ những hiểu biết gần đây về cơ chế bệnh sinh của bệnh viêm khớp dạng thấp, người ta đã có các thuốc mới để điều trị được gọi là phương pháp điều trị sinh học. Các thuốc điều trị sinh học đã tạo ra cuộc cách mạng trong việc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp nhờ hiệu quả cao, tác dụng nhanh và dung nạp tốt.

Từ năm 2009, thuốc sinh học điều trị viêm khớp dạng thấp đã được sử dụng tại Việt Nam. Ngoài cải thiện triệu chứng tại khớp và triệu chứng ngoài khớp trên lâm sàng, thuốc còn hạn chế tổn thương trên Xquang, hạn chế hủy khớp, bảo tồn chức năng khớp.

Do thuốc giúp kiểm soát tốt bệnh nên ngay cả các bệnh nhân đã sử dụng corticoid dài ngày cũng có thể ngừng hẳn hoặc giảm liều corticoid.

3.2 Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa được chỉ định trong trường hợp viêm một vài khớp kéo dài mà điều trị nội khoa không hiệu quả, khớp viêm và tràn dịch. Điều trị ngoại khoa thường mổ cắt bỏ màng hoạt dịch.

Điều trị ngoại khoa để phục hồi chức năng một số khớp bị biến dạng nặng, phá hủy nhiều bằng các phương pháp như thay khớp nhân tạo, cắt đầu xương, chỉnh hình khớp.

3.3 Điều trị bằng vật lý trị liệu và phục hồi chức năng

Trong viêm khớp dạng thấp, điều trị bằng vật lý trị liệu và phục hồi chức năng là một biện pháp quan trọng và bắt buộc nhằm tránh được thấp nhất các di chứng, trả lại khả năng lao động cho bệnh nhân.

Sau khi dùng thuốc trị viêm khớp dạng thấp, bệnh nhân phải kết hợp vật lý trị liệu và vận động liệu pháp. Bao gồm:

  • Tắm nước nóng, nước ấm, tắm bùn, bó parafin, dùng đèn hồng ngoại, tử ngoại chiếu vào khớp viêm…biện pháp này có tác dụng giãn mạch, tăng cường lưu thông máu, tăng tiết mồ hôi, giãn cơ và giảm đau tại chỗ.
  • Dùng dòng điện một chiều, xoay chiều, điện cao tần, siêu âm với cường độ và bước sóng khác nhau là biện pháp dùng năng lượng để điều trị viêm khớp dạng thấp.
  • Xoa bóp, bấm huyệt có tác dụng làm lưu thông máu, giảm đau, tăng tính đàn hồi của da, giảm xơ hóa da và dây chằng.
  • Vận động liệu pháp và phục hồi chức năng: Người bệnh tập vận động bằng tay không hoặc tập với các dụng cụ phục hồi chức năng như gậy, tập tạ, tập trèo thang, bàn đạp,…Lưu ý, trước khi tập cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn bài tập phù hợp với tình trạng của mình.

3.4 Điều trị viêm khớp dạng thấp theo y học cổ truyền

Người bệnh sẽ được kê đơn theo từng loại bệnh kết hợp với châm cứu và bấm huyệt. Các cây thuốc và vị thuốc có tác dụng chống viêm, giảm đau trong các bệnh khớp được ứng dụng như: thiên niên kiện, thổ phục linh, ngũ gia bì, ý dĩ, độc hoạt, phòng phong, ngưu tất, lá lốt,…Hay các loại cao động vật như hổ, trăn, rắn, khỉ, nai…Ngoài ra, cây trinh nữ, hạt mã tiền cũng có tác dụng chống viêm trong bệnh viêm khớp dạng thấp.

dieu-tri-viem-khop-dang-thap-sao-hieu-qua-nhat-voh-2

Điều trị viêm khớp dạng thấp cần kết hợp nhiều phương pháp (Nguồn: Internet)

4. Viêm khớp dạng thấp nên và không nên ăn gì?

Để đạt hiệu quả điều trị viêm khớp dạng thấp tốt nhất, người bệnh cũng cần quan tâm đến chế độ ăn uống. Dưới đây là những thực phẩm mà người bệnh viêm khớp nên và không nên ăn.

4.1 Viêm khớp dạng thấp nên ăn gì?

Một số thực phẩm người bệnh viêm khớp nên sử dụng:

  • Các loại hoa quả chứa hàm lượng vitamin C cao như: cam, xoài chín, dâu tây, đào,…Táo là loại quả cũng rất tốt cho người bệnh viêm khớp dạng thấp vì có khả năng chống các phản ứng viêm. Một số thực phẩm khác cũng có khả năng chống viêm như tảo bẹ, nghệ, nấm và trà xanh.
  • Rau củ được xem như là thành phần chính trong chế độ ăn của người bệnh viêm khớp dạng thấp. Các loại rau nên ăn như cải bắp, cải xanh, tỏi, gừng, các loại đậu xanh, rau bina, tỏi tây.
  • Các loại cá như cá hồi, cá ngừ, cá mòi… rất giàu axit béo omega-3, đây là chất quan trọng để hạn chế viêm khớp dạng thấp.
  • Các loại ngũ cốc như gạo lứt, lúa mì, lúa mạch đen... Các thực phẩm này chứa nhiều carbohydrate phức hợp, mang lại nguồn năng lượng tuyệt vời cho người bệnh.
  • Thảo dược và các loại gia vị như húng quế, húng tây, ớt, quế, bạc hà, mùi tây và cây đinh hương,…giúp chống lại những phản ứng có hại đối với cơ thể. Các nguồn thức ăn giàu magie cũng được khuyên nên ăn như chuối, quả mơ, đậu, rau có lá.

4.2 Viêm khớp dạng thấp kiêng ăn gì?

Nếu bị viêm khớp dạng thấp thì cần tránh ăn các thực phẩm như:

  • Hải sản vỏ cứng.
  • Rượu, bia, cà phê, các loại nước ngọt có gas.
  • Thực phẩm quá ngọt hoặc quá mặn.
  • Hạn chế ăn xôi, nếp.
  • Thực phẩm nhiều dầu mỡ.
  • Thực phẩm giàu đạm.

Nhìn chung, để điều trị viêm khớp dạng thấp hiệu quả, giảm sưng, đau nhanh thì người bệnh cần kết hợp nhiều biện pháp với nhau, vừa uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ vừa tập vật lý trị liệu kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh.

Bình luận