Nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Neurology cho thấy, kể từ năm 1990, số ca đột quỵ do nhiệt độ cao và thấp đã gia tăng trên toàn cầu. Mặc dù, đột quỵ ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ đột quỵ ở đàn ông vẫn cao hơn phụ nữ.
Trong nghiên cứu này, các chuyên gia đã xem xét nhiệt độ và tỷ lệ đột quỵ ở 204 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nhà nghiên cứu từ Bệnh viện Xiangya, Đại học Trung Nam Trung Quốc đã tạo ra một mô hình sử dụng dữ liệu toàn cầu về bệnh tật, tử vong, khuyết tật và dữ liệu khí hậu để ghi lại nhiệt độ, độ che phủ của mây và các biến đổi thời tiết.
Các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng, số người bị đột quỵ đã tăng lên khi dân số già đi, nhưng điều này không giải thích được tất cả mọi thứ. “Nhiệt độ không tối ưu” đã tạo ra sự khác biệt: Số người bị đột quỵ do nhiệt độ nóng và lạnh tăng lên đáng kể vào năm 2019 so với năm 1990.
Năm 2019, nhiệt độ thấp đã dẫn đến số lượt đột quỵ cao hơn. Mặc dù điều đó nghe có vẻ trái ngược với hiện tượng nóng lên toàn cầu nhưng nhiệt độ lạnh cũng đi kèm với biến đổi khí hậu. Nhiệt độ ấm hơn trên đất liền cản trở xoáy cực – khối không khí lạnh dày đặc xung quanh các cực – và khi nó yếu đi, nó có thể dẫn đến nhiệt độ lạnh hơn.
Hiện tại, số ca tử vong do đột quỵ vì nhiệt độ khắc nghiệt tập trung ở nhiều nơi trên thế giới, nơi có tỷ lệ người dân sống trong cảnh nghèo đói cao hơn và nơi có hệ thống chăm sóc sức khỏe còn yếu kém, như ở Châu Phi.
Nghiên cứu cho biết, sự gia tăng nhanh chóng gánh nặng đột quỵ do nhiệt độ cao ở Trung Á “cũng cần được chú ý đặc biệt”.
Năm ngoái là năm nóng nhất kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu ghi lại nhiệt độ toàn cầu vào năm 1850 và nhiệt độ dự kiến sẽ phá vỡ nhiều kỷ lục hơn trong tương lai gần. Tháng 3 này là tháng nóng nhất được ghi nhận.
Tiến sĩ Mary Rice, Phó giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard, người - không tham gia nghiên cứu mới cho biết, những phát hiện trên rất có ý nghĩa.
Tiến sĩ Rice gần đây đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí Frontiers in Science cho thấy, biến đổi khí hậu cũng đang làm gia tăng số lượng các bệnh liên quan đến miễn dịch như dị ứng, hen suyễn, bệnh tự miễn và ung thư.
Nghiên cứu của bà Rice cho thấy, các hành động giảm thiểu đa cấp là rất cần thiết để giảm lượng khí thải và cải thiện chất lượng không khí, đồng thời giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Bà nói, nếu không có hành động toàn cầu ngay lập tức, thế giới sẽ chứng kiến gánh nặng bệnh tật lớn hơn nhiều.
Đột quỵ đã là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân đứng hàng thứ ba gây ra tình trạng khuyết tật trên toàn thế giới và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, khi nhiệt độ quá nóng, cơ thể khó điều hòa và làm mát bằng cách đổ mồ hôi. Điều này có thể dẫn đến tình trạng mà các bác sĩ gọi là tình trạng tăng đông máu, khi máu đông dễ dàng hơn và làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Mọi người cũng có thể bị mất nước, khiến tim phải làm việc quá sức, đồng thời làm tăng nguy cơ bị đột quỵ hoặc đau tim.
Nhiệt độ cực lạnh cũng có thể khiến ai đó bị đột quỵ. Khi cơ thể tiếp xúc với cái lạnh, nó sẽ kích thích các thụ thể lạnh của da, từ đó kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm, mạng lưới các dây thần kinh kiểm soát phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy của cơ thể.
Điều đó có thể gây co mạch, co thắt các mạch máu ở da, cánh tay và chân, khiến huyết áp tăng đột biến và có khả năng dẫn đến đột quỵ.