Nhiều triển vọng cấy ghép giác mạc và tụy heo cho người

(VOH) - Các nhà khoa học đang nghiên cứu tiềm năng cấy ghép giác mạc và tụy heo cho người – như một phương pháp đầy hứa hẹn để giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn hiến tạng hiện nay.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo quốc tế về phát triển Kỹ thuật Y sinh ở Việt Nam do trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) tổ chức.

Giáo sư Chung-Gyu Park - Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) cho biết, nhóm nghiên cứu của ông đã nghiên cứu về việc cấy ghép giác mạc và tiểu đảo tụy của heo vào linh trưởng để thu nhận dữ liệu về hiệu quả và an toàn tiền lâm sàng.

Kết quả cho thấy, sự tồn tại dài hạn của mảnh cấy ghép giác mạc và tiểu đảo tụy heo trên cơ thể linh trưởng trong hơn 6 tháng, ở 5 đợt thử nghiệm liên tiếp với liệu pháp ức chế miễn dịch sử dụng kháng thể đơn dòng. Đối với linh trưởng, mảnh ghép tiểu đảo tụy tồn tại hơn 960 ngày, giúp kiểm soát dài hạn bệnh đái tháo đường ở linh trưởng.

Hiện tại, quy trình thử nghiệm lâm sàng về cấy ghép dị loại giác mạc và tiểu đảo tụy đang được thẩm định bởi Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc dựa trên Đạo luật về Y học Tái tạo và Sinh dược học Tiến bộ.

hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: BN)

Tại Hội thảo, nhiều công trình nghiên cứu khác liên quan tới lĩnh vực Y sinh trong và ngoài nước cũng được giới thiệu như: Ứng dụng vật liệu nano có nguồn gốc từ kim loại và oxit kim loại trong điều trị và chẩn đoán bệnh; Ứng dụng tế bào gốc trung mô nướu và exosomes để tái tạo cấu trúc sọ mặt; Phức hợp nano trên nền Dextran để cải thiện khả năng miễn dịch ứng dụng trong trị liệu miễn dịch phổi…

Kỹ thuật Y sinh hiện là lĩnh vực nổi bật thu hút sự quan tâm trên thế giới. Đây là lĩnh vực đa ngành ứng dụng công nghệ tiên tiến (nano, tế bào gốc, mạng kết nối vạn vật, điện toán đám mây) vào việc tạo ra các thiết bị phục vụ chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe, cũng như các phương pháp nghiên cứu mới giúp hiểu biết sâu hơn về tiến trình sinh học con người. 

Kỹ thuật Y sinh không chỉ là sự kết hợp hài hòa giữa các kỹ thuật (cơ khí, điện, điện tử, viễn thông, quang học, tin học) với các ngành khoa học sự sống (sinh học, y, dược, nha) mà còn thể hiện sự hữu hiệu trong việc phát triển không những về khoa học, kỹ thuật và y học, mà còn về nền kinh tế của một quốc gia.

Theo PGS.TS Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế, Hội thảo công bố các kết quả nghiên cứu mới nhất và tạo ra sự kết nối hợp tác quốc tế cho các nhóm nghiên cứu tiềm năng về Kỹ thuật Y sinh ở Việt Nam, tạo cơ hội hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo sinh viên giữa trường Đại học Quốc tế với các trường đại học khác, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển Kỹ thuật Y sinh trong nước.

Hội thảo quốc tế về phát triển Kỹ thuật Y sinh ở Việt Nam lần thứ 9 có chủ đề “Chuyển giao Công nghệ chăm sóc sức khỏe từ các nước tiên tiến cho các nước đang phát triển trong bối cảnh đại dịch Covid và chuyển đổi số” diễn ra từ ngày 27/12 đến 29/12/2022.

Hội thảo thu hút khoảng 300 khách mời, trong đó có 240 báo cáo viên trong và ngoài nước tham gia. Các báo cáo viên tập trung thảo luận trong 10 phiên với các chủ đề đa dạng như Kỹ thuật Dược, Kỹ thuật Mô và Y học tái tạo, Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu cho Sức khỏe, Lab-on-a-chip và vi lưu chất, Kỹ thuật thần kinh, Kinh thầu y sinh...

Hội thảo do trường Đại học Quốc tế tổ chức định kỳ mỗi 02 năm, được Liên đoàn Kỹ thuật Y học và Sinh học Quốc tế (IFMBE) và nhiều hội đoàn, đại học trên thế giới hỗ trợ và cộng tác.

Bình luận