Chờ...

Những bệnh trẻ có thể mắc phải khi người thân hút thuốc lá

VOH - Hút thuốc thụ động là thuật ngữ để chỉ người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc do người hút thuốc phả ra. Với trẻ em, hút thuốc lá thụ động nguy hiểm hơn nhiều so với người lớn.

Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, ít nhất 250 chất đã được biết là gây hại tới sức khỏe. Trong 250 chất này, có ít nhất 69 chất gây ung thư.

Trẻ em thường hít phải khói thuốc thụ động khi cha mẹ, gia đình và bạn bè của gia đình hút thuốc hoặc thuốc lá điện tử. 

Do khói thuốc có thể sót lại ở hầu hết mọi bề mặt tại khu vực mà ai đó hút thuốc, kể cả trên da, tóc, quần áo, đồ nội thất, sàn nhà và ghế ô tô, nên ngay cả sau khi người hút thuốc đã hút xong, trẻ em vẫn có thể tiếp xúc với các hóa chất độc hại.

hút thuốc
Trẻ em hút thuốc lá thụ động nguy hiểm hơn nhiều so với người lớn - Ảnh: Bộ Y tế Thái Lan

Theo Raising Children Network, trẻ sơ sinh và trẻ em có nhiều rủi ro hơn từ các hóa chất này vì chúng có đường thở nhỏ hơn so với người lớn và đường thở của chúng vẫn đang phát triển. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng có hệ thống miễn dịch kém hơn so với người lớn.

Hơn nữa, chúng dành nhiều thời gian trên sàn nhà và thường cho tay, đồ chơi vào miệng. Điều này có nghĩa là chúng có thể nuốt hoặc hít phải các hóa chất độc hại từ khói hoặc hơi thuốc trên sàn nhà và các bề mặt khác.

Khi hít phải hơi thuốc lá, trẻ có thể bị ảnh hưởng nhịp thở, nhịp tim và sự phát triển. Điều này khiến em bé có nguy cơ cao bị đột tử bất ngờ ở trẻ sơ sinh (SIDS). Nếu cha mẹ hút thuốc trong khi mang thai và sau khi sinh con, nguy cơ SIDS của con họ sẽ tăng lên.

Nếu trẻ em tiếp xúc với khói thuốc thụ động, chúng có thể bị sưng tấy và kích ứng đường thở. Chúng có nhiều khả năng phát triển một loạt các vấn đề về phổi và các vấn đề sức khỏe khác hơn những đứa trẻ khác.

Những vấn đề này bao gồm: hen suyễn, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, ung thư ở trẻ em, nhiễm trùng tai, viêm màng não, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm amidan...

Ngoài ra, việc tiếp xúc với khói thuốc có thể ảnh hưởng đến bộ não đang phát triển của trẻ vì não rất nhạy cảm dù chỉ là một lượng rất nhỏ hóa chất độc hại.

Đáng lưu ý, khi trẻ em sống trong một gia đình hút thuốc, khả năng chúng sẽ hút thuốc ở tuổi thiếu niên tăng gấp đôi. Điều này gây ra nhiều nguy cơ sức khỏe cho chúng khi trưởng thành.

Làm sao để giảm tác hại của khói thuốc với trẻ?

Điều nên làm nhất để bảo vệ trẻ khỏi khói thuốc, đó là bỏ thuốc lá. Tuy nhiên, nếu gia đình có người thân nghiện thuốc, không thể bỏ được, cha mẹ có thể giảm thiểu tác hại của khói thuốc đối với con trẻ bằng các cách sau:

  • Luôn để phòng thoáng gió, mở cửa sổ, sử dụng quạt hoặc hạn chế hút thuốc/thuốc lá điện tử ở một số khu vực nhất định trong nhà.
  • Đảm bảo không có ai hút thuốc gần trẻ. Điều này có nghĩa là bạn sẽ phải hút thuốc cách xa con mình và yêu cầu các thành viên khác trong gia đình, bạn bè, người chăm sóc làm điều tương tự. 
  • Ngoài ra, không bao giờ hút thuốc trong xe. Mở cửa sổ ô tô không đủ để ngăn khói hoặc hơi ảnh hưởng đến con trẻ. 
  • Thường xuyên khử trùng nhà hoặc ô tô từng được người hút thuốc sử dụng để tạo một môi trường sạch sẽ, an toàn cho trẻ.