Viêm não phế cầu là gì?
Viêm não phế cầu là tình trạng viêm của não do 1 loại vi khuẩn có tên Streptococcus pneumoniae (hay còn gọi là phế cầu khuẩn) gây ra. Đây là một loại song cầu khuẩn gram dương thuộc chi Streptococcus.
Ngoài việc gây ra tình trạng viêm não, người bị nhiễm phế cầu khuẩn còn có thể gặp phải các bệnh lý nghiêm trọng như viêm phổi, viêm tai giữa và nguy hiểm nhất là nhiễm trùng huyết.
Phế cầu khuẩn gây bệnh viêm não phế cầu thường lây lan chủ yếu thông qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh qua các hành động như: hắt hơi, ho, nôn hoặc trẻ em chơi chung đồ chơi (tiếp xúc với dịch tiết từ đường hô hấp).
Viêm não phế cầu có thể dẫn đến viêm phổi (Nguồn: Internet)
Đối tượng mắc bệnh viêm não phế cầu nhiều nhất là ở trẻ dưới 2 tuổi và người già. Đối với trẻ em trên 6 tuổi và người lớn thì phế cầu khuẩn là nguyên nhân thứ 2 gây viêm não.
Viêm não phế cầu có thể dẫn đến những biến chứng nào?
Theo TS, BS Cao Hữu Nghĩa (Trưởng khoa khám bệnh, viện Pasteur TPHCM), bệnh nhân bị viêm não phế cầu sẽ gặp phải rất nhiều biến chứng như:
- Viêm hô hấp.
- Viêm vùng tai mũi họng.
- Viêm phổi.
- Viêm phế quản sâu.
- Nhiễm trùng huyết.
Tuy nhiên, quá trình diễn tiến của bệnh để đưa đến biến chứng, di chứng sẽ tùy thuộc vào cơ địa từng người.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu ghi nhận những bệnh nhân sau khi bị viêm não phế cầu có thể sẽ để lại di chứng như: chậm phát triển tinh thần vận động, khó nói, những bất thường về mặt tâm thần học...
Làm sao nhận biết bệnh viêm não phế cầu?
Bệnh nhân có thể nhận biết triệu chứng viêm não phế cầu thông qua các triệu chứng toàn thân như sốt, ho, nổi hạch....
Sau đó, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng ngay tại não, màng não chẳng hạn người bệnh có những dấu hiệu nôn, buồn nôn, đau bụng, chóng mặt, nhìn đôi...
Tùy theo cơ địa từng người mà các triệu chứng viêm não phế cầu sẽ rầm rộ hoặc không điển hình, khiến bác sĩ có thể chẩn đoán nhầm và gây ra những di chứng về sau.
Lưu ý: Bệnh viêm não phế cầu ở người lớn và trẻ em đều có những dấu hiệu toàn thân và dấu hiệu tại vùng bệnh tương tự nhau. Tuy nhiên, ở người lớn do khả năng chịu đựng và sử dụng kháng sinh khiến cho bệnh khởi phát chậm và khó nhận biết hơn, từ đó có những biến chứng và di chứng nặng nề hơn so với trẻ em.
Viêm não phế cầu và mối tương quan với các bệnh đường hô hấp
Các bệnh lý về hô hấp, chẳng hạn như bệnh cúm thường có mối tương quan đến vấn đề viêm não do phế cầu khuẩn gây ra.
- Về mô hình cộng đồng: Khi có những đợt dịch bộc phát thì sau đó là những đợt bộc phát bệnh viêm não, dưới hình thức là những phụ dịch hoặc những ổ dịch nhỏ.
- Về góc độ bệnh học: Bệnh viêm não nếu không chẩn đoán kịp thời, sau 1 nhiễm trùng hô hấp không được theo dõi triệt để và đưa tới việc dùng kháng sinh trễ hoặc dùng kháng sinh kém hữu hiệu chính là tiền để để làm xuất hiện viêm não.
Nên thăm khám và điều trị khi trẻ có triệu chứng viêm não phế cầu (Nguồn: Internet)
Do đó, khi vào những mùa dịch người bệnh cần lưu ý, tình trạng vi khuẩn phế cầu có thể sẽ bội nhiễm trên nền của bệnh cúm và khiến cho bệnh viêm phổi trở nên nặng nề, trầm trọng hơn và khó điều trị hơn.
Cách phòng ngừa bệnh viêm não phế cầu
Theo TS, BS Cao Hữu Nghĩa, người bệnh có thể dự phòng và điều trị bệnh viêm não phế cầu ở 3 cấp độ khác nhau:
Cấp độ 1
- Áp dụng nguyên tắc 3 sạch (ăn-uống sạch, ở sạch và bàn tay sạch).
- Điều trị tốt những ổ nhiễm khuẩn, nhất là những ổ nhiễm khuẩn vùng tai mũi họng.
- Tìm hiểu và phòng ngừa bệnh thông qua những kiến thức, thông tin trong cộng đồng.
Cấp độ 2
Chủ động dự phòng bằng cách tiêm ngừa vắc-xin.
Cấp độ 3
Sử dụng kháng sinh trong điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Như vậy, có thể nói viêm não phế cầu là bệnh lý tương đối nguy hiểm vì có thể gây ra rất nhiều biến chứng trên cơ thể người bệnh, đặc biệt là trẻ em. Do đó, việc chủ động phòng ngừa cũng như nhận biết sớm các triệu chứng để điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng. Các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc con trẻ trong các giai đoạn chuyển mùa hoặc thời điểm dịch bệnh bùng phát để có đảm bảo sức khỏe cũng như sự phát triển cho trẻ.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới: