Tiêu điểm: Nhân Humanity

Những hậu quả của tình trạng suy tuyến yên

(VOH) - Chậm tăng trưởng, mất khả năng sinh sản,…là những hậu quả do bệnh suy tuyến yên gây ra. Vậy đây là căn bệnh gì, đối tượng nào dễ mắc bệnh suy tuyến yên? hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Tuyến yên là tuyến nội tiết nằm ở hố yên tại não, có vai trò quan trọng đối với hoạt động của hầu hết các tuyến khác trong cơ thể như tuyến giáp, tuyến thượng thận, sinh dục,…Do đó, tuyến yên có vai trò lớn với việc cân bằng nước – điện giải, điều chỉnh huyết áp, các chức năng tình dục, trao đổi chất cơ bản,…

1. Suy tuyến yên là gì?

Suy tuyến yên hay còn gọi là giảm hormone tuyến yên, là tình trạng tuyến yên hoạt động yếu đi và không sản sinh đủ hormone cần thiết. Khi mắc bệnh suy tuyến yên, các cơ quan trong cơ thể sẽ không làm việc tốt như bình thường.

Suy tuyến yên là bệnh lý khá hiếm gặp, trung bình có khoảng 46/100.000 trường hợp suy tuyến yên. Tỷ lệ mắc mới của bệnh là khoảng 4/100.000 người/năm.

nhung-hau-qua-cua-tinh-trang-suy-tuyen-yen-voh

Tuyến yên là một cơ quan nhỏ nhưng có vai trò quan trọng, tác động đến nhiều cơ quan khác (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân gây suy tuyến yên

Có nhiều nguyên nhân làm giảm hormone tuyến yên như:

  • Do bệnh nhân bị viêm nhiễm các bệnh giang mai, lao, nấm, nhiễm khuẩn mủ gây viêm não, viêm màng não.
  • Nghẽn mạch trong xoang, viêm động mạch thái dương, phồng động mạch cảnh, chấn thương sọ não gây chảy máu não.
  • Hoại tử tuyến yên sau sinh do rối loạn tuần hoàn và chảy nhiều máu, nhiễm khuẩn huyết trong thời gian sinh hoặc nạo phá thai, do co thắt động mạch, nghẽn tắc trong các mạch máu tuyến yên dẫn đến hoại tử thùy trước tuyến yên.
  • Nhồi máu trong tuyến yên ở những bệnh nhân tiểu đường bị thoái hóa mạch máu.
  • Gen đột biến dẫn đến sản xuất hormone tuyến yên suy giảm.

Trong một số trường hợp, nguyên nhân của suy tuyến yên vẫn chưa rõ.

Những đối tượng dễ bị suy tuyến yên gồm có:

  • Có tiền sử mất máu sản khoa.
  • Tiền sử chấn thương vùng nền sọ.
  • Có xạ trị vùng dưới đồi tuyến yên hoặc sau khi phẫu thuật lấy khối u tuyến yên.
  • Có các khối u tuyến yên hoặc các khối u não khác chèn lên thùy dưới đồi.
  • Nhiễm trùng não, úng não.
  • Chấn thương, chảy máu tuyến yên.
  • Đột quỵ, dị dạng bẩm sinh.

3. Biểu hiện của người bị suy tuyến yên

Suy tuyến yên thường tiến triển từ từ. Mặc dù các dấu hiệu và triệu chứng có thể xảy ra bất ngờ nhưng nó thường phát triển dần dần. Đôi khi bị bỏ qua trong nhiều tháng hoặc thậm chí cả năm.

Các biểu hiện và triệu chứng của suy tuyến yên có thể thay đổi tùy thuộc vào kích thích tố tuyến yên bị thiếu nhiều hay ít. Các triệu chứng có thể là:

  • Mệt mỏi;
  • Giảm trọng lượng;
  • Giảm chức năng sinh sản;
  • Nhạy cảm với lạnh hoặc khó giữ ấm;
  • Giảm sự thèm ăn;
  • Phù mặt;
  • Thiếu máu;
  • Mất lông mu và không có khả năng sản xuất sữa để nuôi con bằng sữa mẹ;
  • Giảm lông mặt hoặc cơ thể, tóc ở nam giới;
  • Trẻ có chiều cao thấp.

Ngoài ra, nếu suy tuyến yên phát triển đột ngột thì người bệnh sẽ có các biểu hiện như nhức đầu nặng, rối loạn thị giác, rối loạn huyết áp, đau bụng,…

4. Hậu quả của suy tuyến yên

Bị suy giảm chức năng tuyến yên, đồng nghĩa với việc sản xuất các hormone tại tuyến yên không còn bình thường. Cụ thể là các hormone tuyến yên có tác dụng kích thích sự hoạt động các tuyến khác trong cơ thể gây nên hậu quả nặng nề như:

nhung-hau-qua-cua-tinh-trang-suy-tuyen-yen-voh

Suy tuyến yên có thể làm giảm khả năng sinh sản ở nam và nữ giới (Nguồn: Internet)

  • Thiếu hormone hướng sinh dục: Gồm LH và FSH, có tác dụng kích thích tinh hoàn ở nam và buồng trứng ở nữ, ảnh hưởng đến sự sinh sản.
  • Thiếu hormone kích thích tuyến giáp (TSH), gây suy giáp.
  • Thiếu hormone hướng vỏ thượng thận (corticotropin, ACTH,…
  • Thiếu hormone tăng trưởng (GH): Tình trạng này xảy ra trước tuổi dậy thì gây chậm tăng trưởng. Người trưởng thành cũng bị ảnh hưởng.

5. Suy tuyến yên có chữa được không?

Việc điều trị sớm suy tuyến yên là hết sức cần thiết để tránh được các diễn tiến xấu và nguy hiểm. Bệnh nhân suy tuyến yên được điều trị đúng cách có thể nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, cơ xương khớp, tâm thần,…

Đối với bệnh nhân thiếu hormone sinh dục, bác sĩ sẽ cho dùng estrogen (nữ) hoặc testosterone (nam). Nếu bệnh nhân suy tuyến yên do bệnh lý vùng dưới đồi cũng có thể điều trị thành công bằng hormone GnRH giúp phục hồi khả năng sinh dục và sinh sản cho cả nam và nữ.

Trong trường hợp bệnh nhân bị thiếu hormone tuyến giáp do suy tuyến yên sẽ được chỉ định làm xét nghiệm chức năng tuyến thượng thận và điều trị bằng steroid trước khi dùng hormone tuyến giáp thay thế. Người bị thiếu hormone vỏ thượng thận sẽ được dùng hydrocortisone hay cortisone.

Về điều trị suy tuyến yên, người bệnh nên xác định phải điều trị suốt đời, liên tục và được theo dõi điều trị chặt chẽ. Việc dùng thuốc phải tuân theo mọi chỉ dẫn của bác sĩ để hạn chế tối đa các tác dụng phụ.

Bình luận