Trong suốt thai kỳ, bất cứ người mẹ nào cũng mong mỏi được gặp con hơn bất kỳ ai. Để chuẩn bị hành trang tốt nhất cho việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ, các mẹ đã không ngừng đọc tài liệu, thu thập lời khuyên... Trong vô vàn kiến thức, một trong những kiến thức không thể bỏ qua chính là những thông tin liên quan đến giấc ngủ của trẻ sơ sinh, và có lẽ đau đầu nhất vẫn là vấn đề có nên cho trẻ sơ sinh dùng gối hay không?
1. Có nên dùng gối chặn cho trẻ sơ sinh ?
Nhiều mẹ nghĩ rằng, người lớn thường sẽ có một giấc ngủ ngon nếu được kê đầu trên gối thì đương nhiên trẻ nhỏ cũng như vậy. Tuy nhiên, trên thực tế cấu trúc xương ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh và người trưởng thành có khác biệt rất lớn, nên tác dụng của gối đối với giấc ngủ cũng khác nhau.
Với người trưởng thành, xương cổ có độ cong tự nhiên không cùng một đường thẳng với xương cột sống và xương cùng. Vai trò của gối sẽ giúp làm giảm áp lực tới xương đốt sống cổ, để đầu và cổ ở vị trí thoải mái.
Trẻ sơ sinh không cần thiết phải dùng gối kê đầu (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, với trẻ dưới 2 tuổi đặc biệt là trẻ sơ sinh thì không cần thiết phải dùng gối. Vì xương sống của trẻ lúc mới sinh là đường thẳng chứ chưa cong như người lớn. Khi ngủ, phần đầu lưng phải thẳng, nếu cho trẻ sơ sinh nằm gối cổ sẽ bị vẹo, xương sống bị thay đổi hình dạng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển xương sống, tăng nguy cơ mắc dị tật ở trẻ.
Học viện Nhi khoa Mỹ cũng khuyến cáo các mẹ không nên cho trẻ dưới 12 tháng tuổi nằm gối và các loại giường mềm khác. Thậm chí một vài chuyên gia còn đề nghị trì hoãn việc nằm gối đến khi trẻ hơn 2 tuổi.
Việc để gấu bông, mền trong giường của trẻ cũng không được khuyến khích vì có thể khiến trẻ gặp phải những nguy hại khôn lường.
2. Tác hại khi dùng gối cho trẻ sơ sinh
Sử dụng gối cho trẻ sơ sinh có thể khiến trẻ phải đối mặt với những nguy cơ sau:
2.1. Đột tử ở trẻ sơ sinh
Thống kê cho thấy trẻ sơ sinh nằm gối có nguy cơ ngạt thở khi ngủ cao hơn so với những em bé không nằm gối, bởi các bé thường chưa có ý thức kiểm soát trong lúc ngủ.
2.2. Biến dạng hộp sọ
Trẻ sơ sinh tăng trưởng vòng đầu khá nhanh. Khi vừa mới sinh, chu vi vòng đầu bé chỉ khoảng 34cm. Tuy nhiên, chỉ trong 1 năm kích thước có thể tăng thêm 12cm. Nếu cho trẻ nằm gối, đầu của bé có thể không giữ được cân bằng, đối xứng do hộp sọ to ra.
Hơn nữa, hộp sọ của trẻ sơ sinh thường rất mềm, chưa khép kín, nếu bị gối chèn ép và nằm yên trong một tư thế khi ngủ có thể sẽ làm hộp sọ bị biến dạng.
2.3. Tác động xấu đến xương sống, đầu và cổ
Cho trẻ sơ sinh kê gối ngủ sớm sẽ có thể khiến cổ của bé bị quẹo, từ đó ảnh hưởng đến hình dạng xương sống. Việc này có thể ảnh hưởng đến việc hô hấp và nuốt thức ăn.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp trẻ sơ sinh gặp phải các vấn đề hô hấp, bác sĩ có thể đề nghị mẹ cho bé nằm gối khi ngủ để bé dễ thở hơn.
Xem thêm: Cha mẹ thông minh thì đừng nên mắc những sai lầm này khi chăm sóc trẻ sơ sinh
3. Khi nào nên dùng gối cho trẻ sơ sinh
Bình thường, trẻ sơ sinh ngủ không cần gối, chỉ cần dùng khăn vải gập lại làm đôi hoặc làm ba kê đầu trẻ là được. Xương sống trẻ lúc này vẫn thẳng (chỉ khi trẻ biết đứng và đi thì cột sống mới cong) nên khi nằm ngửa thì lưng và gáy sẽ cùng nằm trên một mặt phẳng, do vậy không cần gối đầu.
Hơn nữa, đầu của trẻ sơ sinh thường to bằng chiều rộng của vai nên kể cả khi trẻ nằm nghiêng thì vẫn không cần gối.
Trẻ sơ sinh có thể không cần dùng gối khi ngủ cho đến 2 tuổi (Nguồn: Internet)
Trẻ có thể không cần dùng gối khi ngủ cho đến 2 tuổi. Trẻ tới độ tuổi đi học khi nhìn thấy bạn nằm gối sẽ tò mò muốn bắt chước. Thời điểm này, xương của trẻ cũng cứng cáp hơn nên mẹ có thể chuẩn bị gối cho bé. Tuy nhiên, hãy chú ý tới các yếu tố để lựa chọn gối sao cho phù hợp.
4. Cách chọn gối và kê gối cho trẻ
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại gối dành cho trẻ, để chọn gối cho trẻ mẹ cần lưu ý:
4.1. Chất liệu gối
Gối, chăn, hay bất cứ đồ dùng nào của trẻ cũng đều phải đảm bảo độ mềm mại và có khả năng thấm hút cao. Tốt nhất là nên ưu tiên những sản phẩm có nguồn gốc, uy tín để đảm bảo an toàn.
Với ruột gối mẹ nên chọn chất liệu nhẹ, thông thoáng, dễ khô để tiện cho việc giặt giũ. Không nên chọn gối có ruột quá mềm, dễ lún khi nằm xuống, đồng thời cũng không nên chọn gối quá cứng. Nên chọn gối có độ mềm vừa phải.
4.2. Kích thước gối
Khi mua gối cho trẻ, không nên mua gối quá rộng để tránh gây ngạt thở, không chọn gối quá cao sẽ ảnh hưởng đến hệ hô hấp và tuần hoàn máu. Tốt nhất, mẹ nên chọn gối có chiều rộng bằng hoặc lớn hơn 1 chút so với độ dài tai.
Lưu ý: Trong những trường hợp trẻ sơ sinh cần dùng gối kê đầu thì gối cho trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ nên dày từ 1 – 2cm. Trẻ trên 6 tháng tuổi có thể nằm gối dày hơn, khoảng 3 – 4cm. Trẻ từ 3 tuổi có thể nằm gối 3 – 9cm.
4.3. Cách kê gối cho trẻ
Theo các chuyên gia, mẹ nên đặt gối sâu về phía gáy, sát với cổ vai, cổ hơi ưỡn, ngửa ra sau 10 – 15 độ là vị trí dễ chịu và an toàn nhất cho trẻ. Ngoài ra, mẹ cũng nên lưu ý, dù cho trẻ nằm ngủ ở đâu, mẹ cũng nên hạn chế số lượng gối đặt trên giường của trẻ.
5. Những lưu ý khi cho trẻ sơ sinh nằm
- Khi mới lọt lòng, trẻ sơ sinh vẫn giữ nguyên tư thế từ bào thai, nghĩa là tay chân co lại. Trẻ mới sinh trong vòng 24 giờ đầu nên nằm ở tư thế nghiêng bên phải và đầu thấp xuống, ở dưới cổ đệm một chiếc khăn nhỏ.
- Sau 1 – 2 giờ, cần đổi tư thế nằm nghiêng sang bên ngược lại, bởi vì nếu để lâu đầu trẻ có thể bị biến dạng do nằm ở một tư thế quá lâu.
- Khi trẻ vừa bú no, nên lót chăn nằm nghiêng về phía bên phải nhằm tránh nôn trớ ở trẻ. Để giảm bớt hiện tượng trớ sữa, sau mỗi cữ bú mẹ nên bế bé ở tư thế đầu cao khoảng 10 – 15 phút hãy đặt nằm.
- Khi cho trẻ nằm nghiêng, chú ý đừng để vành tai của trẻ bị chèn gập về phía trước.
Tóm lại, việc cho trẻ sơ sinh đến 2 tuổi nằm gối là không cần thiết. Trong 2 năm đầu đời, điều quan trọng nhất là mẹ cần chú ý đến tư thế nằm của con, cách đặt để gối, mền xung quanh bé khi ngủ để đảm bảo an toàn cho bé trong lúc ngủ.