Chờ...

Những người hay thức khuya có nguy cơ cao tắc nghẽn động mạch

VOH - Nghiên cứu mới phát hiện ra rằng, những người thức khuya có nhiều nguy cơ bị tắc nghẽn động mạch so với những người dậy sớm.

Theo kết quả nghiên cứu mới của Đại học Gothenburg của Thụy Điển được công bố trên tạp chí Sleep Medicine, chứng xơ vữa động mạch - tình trạng xơ cứng và thu hẹp động mạch, có thể dẫn đến đau thắt ngực, cục máu đông, đau tim hoặc đột quỵ - phổ biến gần gấp đôi ở những người thức đêm.

thức khuya
Nghiên cứu mới phát hiện ra rằng, những người thức đêm dễ mắc bệnh tim thông thường hơn so với những người dậy sớm - Ảnh: stock.adobe.com

Xem thêm: Thức khuya, làm thêm giờ và áp lực cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, những người thức khuya phải đối mặt với nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch, thì nghiên cứu mới này được cho là nghiên cứu đầu tiên khám phá nhịp sinh học, đồng hồ sinh học 24 giờ của một người, ảnh hưởng đặc biệt đến động mạch tim như thế nào.

Trong số 771 người tham gia nghiên cứu từ 50 - 64 tuổi, 144 người tự mô tả mình là kiểu người hay dậy sớm và 128 người được xác định là kiểu người thức khuya cực đoan. 

Kết quả cho thấy, 22,2% những người ngủ dậy sớm có tình trạng vôi hóa động mạch rõ rệt - họ là nhóm có kết quả thấp nhất. Nhóm hay thức khuya có tỷ lệ xơ cứng động mạch nghiêm trọng nhất, ở mức 40,6%.

Tác giả nghiên cứu Mio Kobayashi Frisk cho biết: “Kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng, thức khuya có thể không chỉ liên quan đến tình trạng sức khỏe tim mạch kém hơn nói chung mà còn cụ thể hơn là tình trạng vôi hóa động mạch vành và quá trình dẫn đến vôi hóa động mạch”. 

Các yếu tố khác ảnh hưởng đến nguy cơ xơ cứng động mạch bao gồm huyết áp, lipid trong máu, cân nặng, mức độ hoạt động, căng thẳng, giấc ngủ và hút thuốc.

Ding Zou, đồng tác giả nghiên cứu, nhấn mạnh rằng, nhịp sinh học – một chu kỳ mong manh có thể dễ dàng bị gián đoạn – là yếu tố chính trong sự phát triển của bệnh tật.

Zou cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng nhịp sinh học có ý nghĩa quan trọng hơn ở giai đoạn đầu của quá trình bệnh tật. Do đó, nó cần được tính đến trong việc điều trị phòng ngừa các bệnh tim mạch nói riêng”.

Nghiên cứu riêng biệt mới đây cho thấy, chỉ cần mất ngủ 1 hoặc 2 giờ một đêm có thể dễ dàng gây ra lo lắng. Một nghiên cứu khác xác định rằng, giấc ngủ kéo dài vào cuối tuần có thể giúp ngăn ngừa các cơn đau tim.