Chờ...

Những nguyên nhân làm rối loạn vị giác

(VOH) - Khi khả năng nhận biết vị của lưỡi bị suy giảm (rối loạn vị giác) sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và gây ra tâm lý lo lắng cho người bệnh. Vậy khi bị rối loạn vị giác nên làm gì?

1. Rối loạn vị giác là bệnh gì?

Rối loạn vị giác là tình trạng lưỡi giảm cảm giác nhận biết các vị, có thể xảy ra trong một thời gian ngắn hay kéo dài, bị suy giảm một phần hay toàn phần.

nhung-nguyen-nhan-lam-roi-loan-vi-giac-voh-1

Rối loạn vị giác khiến người bệnh không còn cảm giác ngon miệng trong mỗi bữa ăn (Nguồn: Internet)

Bệnh nhân bị rối loạn vị giác không cảm nhận được vị thức ăn như ngọt, mặn, đắng, chua,…và không thấy thức ăn ngon hay dở. Đôi khi bệnh nhân mất hết vị giác nhưng cũng có khi chỉ mất một phần vị giác hay cảm nhận sai lệch vị của một số thức ăn.

Khi khả năng nhận biết bị của lưỡi bị suy giảm sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và gây ra tâm lý lo lắng.

2. Phân loại các rối loạn vị giác

Rối loạn vị giác có thể phân loại thành 2 trạng thái sau:

2.1 Giảm vị giác

Giảm vị giác hoàn toàn thì người bệnh giảm cảm giác với mọi chất nếm, nếu giảm vị giác một phần thì bệnh nhân chỉ giảm cảm giác với một số chất nếm. Khi loạn vị giác hay vị giác ma, bệnh nhân có cảm giác sai vị của một chất nếm.

2.2 Mất vị giác

Mất vị giác hoàn toàn, bệnh nhân mất hết chức năng vị giác, không còn phân biệt được ngọt, mặn, đắng, chua,…Mất vị giác một phần, bệnh nhân chỉ còn nhận biết một số chứ không phải toàn bộ cảm giác nếm. Mất vị giác đặc biệt là không cảm nhận được vị của một số chất.

3. Nguyên nhân làm rối loạn vị giác

Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn vị giác như:

  • Do tác dụng của một số loại thuốc điều trị: Thuốc có thể gây ảnh hưởng đến vị giác do làm giảm chức năng hoạt động của thần kinh vị giác hoặc làm biến đổi cảm nhận về vị hoặc gây ra vị giác ảo. Các thuốc dễ gây rối loạn vị giác là: thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm, thuốc kháng virus, corticoid...
  • Do tổn thương dây thần kinh số 7 và dây thần kinh thiệt hầu số 9.
  • Do nước bọt tiết ra ít khiến thức ăn không được hòa tan để nụ nếm tiếp thu vị.
  • Do nhiễm nấm trên lưỡi nên gây mất vị giác.
  • Do các bệnh mãn tính như béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp,…
  • Các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên như viêm xoang, viêm phế quản, viêm thanh quản,…cũng làm rối loạn vị giác. Trong trường hợp này, giảm vị giác chỉ là tạm thời và nó sẽ khỏi khi tình trạng nhiễm khuẩn được chữa trị dứt điểm.
  • Vệ sinh răng miệng kém cũng có thể là nguyên nhân gây khô miệng, từ đó vị giác sẽ tiếp nhận kém.
  • Sau khi phẫu thuật tai giữa, tình trạng suy dinh dưỡng, nhổ răng hàm số 3, xạ trị ung thư đầu và cổ, ảnh hưởng của hóa chất diệt sâu bọ, hút quá nhiều thuốc lá,…cũng là những nguyên nhân làm rối loạn vị giác.

nhung-nguyen-nhan-lam-roi-loan-vi-giac-voh-2

Hút nhiều thuốc lá có thể là nguyên nhân khiến bạn bị rối loạn vị giác (Nguồn: Internet)

4. Điều trị rối loạn vị giác như thế nào?

Các phương pháp điều trị rối loạn vị giác còn rất hạn chế. Tuy nhiên, dựa vào nguyên nhân gây rối loạn vị giác, chúng ta có thể khắc phục bằng những cách sau đây:

  • Nếu rối loạn vị giác liên quan đến thuốc có thể giải quyết bằng cách thay đổi thuốc chữa bệnh.
  • Nếu bị khô miệng có thể dùng nước bọt nhân tạo để điều trị hoặc dùng Pilocarpin uống.
  • Điều trị nhiễm khuẩn và nhiễm nấm ở khoang miệng có thể giúp cải thiện chức năng vị giác.
  • Những rối loạn vị giác do chấn thương có thể tự khỏi trong quá trình phục hồi chấn thương.
  • Rối loạn vị giác do tổn thương trong phẫu thuật dây thần kinh thừng nhĩ sẽ tự cải thiện sau 3 – 4 tháng. Nếu cắt ngang dây thần kinh có thể gây rối loạn chức năng vị giác vĩnh viễn.
  • Việc sử dụng kẽm và vitamin cũng có thể điều trị mất vị giác.

Lời khuyên: Nếu có các dấu hiệu chán ăn, giảm vị giác, thì nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt, bởi rối loạn vị giác có thể điều chỉnh được sau khi xác định nguyên nhân.