Do đó, việc sinh nở cần được theo dõi sát sao và diễn ra trong quy trình vô khuẩn, an toàn.
Người xưa có câu “gái chửa – cửa mả” ám chỉ trong quá trình mang thai người phụ nữ có nguy cơ gặp nguy hiểm ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ.
Đó là lý do là trong suốt quá trình 9 tháng 10 ngày mang thai người mẹ phải trải qua nhiều lần thăm khám để các bác sĩ tiên liệu tình trạng sức khỏe và hình thức sinh nở phù hợp.
Trên thực tế, việc chuyển dạ, sinh con luôn đặt bất cứ người mẹ nào vào nguy cơ bị tai biến, có thể mất mạng. Chỉ có các bác sĩ mới có thể xử lý và hỗ trợ kịp thời trong các trường hợp này.
Những người “cuồng” sinh con thuận tự nhiên cần hiểu, sinh tại bệnh viện không có nghĩa là "không thuận tự nhiên", mà đó là cách duy nhất để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người mẹ và trẻ trong quá trình chuyển dạ.
Người mẹ có thể gặp nhiều nguy cơ xấu về sức khỏe trong quá trình sinh con (Ảnh: Revista Médica)
5 tai biến sản khoa phổ biến khi sinh
Tùy vào cơ địa, thể trạng và sức khỏe, có những người sinh con rất nhanh chóng và khỏe mạnh, nhưng cũng có những người sinh con khó hơn và 5 tai biến sản khoa phổ biến có thể đặt cả họ và em bé vào vòng nguy hiểm đó là: băng huyết sau sinh, vỡ tử cung, uốn ván dây rốn, tiền sản giật và nhiễm khuẩn sau sinh.
Băng huyết sau sinh
Băng huyết sau sinh là hiện tượng bộ phận sinh dục nữ chảy máu dữ dội trong vòng 24 giờ sau sinh, gây nên tình trạng mất máu quá nhiều. Đây là tai biến sản khoa thường gặp và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người mẹ.
Các nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng băng huyết sau sinh là do đờ tử cung, sót nhau, nhau cài răng lược, do chấn thương sinh dục, người mẹ bị rối loạn đông máu, mẹ mang thai ở tuổi sau 35 tuổi, con trên 4 kg, u xơ tử cung, sinh mổ...
Đây cũng là lý do khiến các bác sĩ luôn kiểm tra, siêu âm rất kĩ để nắm bắt được sức khỏe người mẹ ngay trước khi sinh để có thể chủ động xử lý trong tình huống mẹ có dấu hiệu băng huyết.
Băng huyết có thể để lại những di chứng nặng – nhẹ khác nhau như: choáng do giảm thể tích tuần hoàn, dẫn đến suy thận, suy đa cơ quan và tử vong; nhiễm trùng hậu sản; biến chứng lâu dài thiếu máu, viêm tắc tĩnh mạch, hội chứng Sheehan (do hoại tử tuyến yên dẫn đến suy nhược, gầy ốm, rụng lông tóc, mất sữa, vô kinh), không thể có thêm con trong trường hợp phải cắt tử cung.
Vỡ tử cung
Vỡ tử cung là trường hợp tử cung bị vỡ, làm buồng tử cung thông với ổ bụng, phức tạp hơn là tổn thương đến cả bàng quang hoặc đường tiêu hoá. Vỡ tử cung thường xảy ra trong chuyển dạ, nhưng cũng có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai.
Thông thường, khi tử cung vỡ, thai nhi sẽ chết và nếu không được xử trí kịp thời thai phụ có thể cũng bị tử vong.
Vỡ tử cung có nhiều nguyên nhân. Có thể do người mẹ có khung chậu xương bất thường, tử cung kém phát triển, tử cung đôi, sẹo tử cung do các phẫu thuật phụ khoa hay mổ đẻ trước đó, tử cung co bóp quá mạnh hay sinh đẻ nhiều lần…
Ngoài ra, vỡ tử cung cũng có thể xảy ra do thai nhi gặp một số bất thường về phát triển, vị trí…
Các trường hợp vỡ tử cung trong chuyển dạ thông thường các bác sĩ phải mổ cấp cứu để cứu mẹ và con (nếu có thể) và xử trí thương tổn, bảo tồn tử cung... cho người mẹ, đồng thời người mẹ sẽ được theo dõi chặt chẽ trong thời kỳ hậu phẫu để phát hiện nhiễm khuẩn sau mổ.
Uốn ván dây rốn
Uốn ván rốn sơ sinh (sài uốn ván) do trực khuẩn uốn ván gây ra. Vi khuẩn xâm nhập cơ thể của trẻ qua vết cắt rốn do các dụng cụ đỡ đẻ hoặc tay người đỡ không được diệt khuẩn. Đây là bệnh nguy hiểm, gây tử vong cao cho trẻ.
Trẻ được sinh tại bệnh viện trong điều kiện vô khuẩn sẽ giảm được nguy cơ bị uốn ván (Ảnh: Arena Pública)
Để phòng ngừa uốn ván rốn cho trẻ, người mẹ cần tiêm vắc-xin trước khi sinh để có thể truyền cho thai nhi lượng miễn dịch chống uốn ván. Ngoài ra, người mẹ khi chuyển dạ phải đến trạm y tế, bệnh viện để được sự hỗ trợ của các nhân viên y tế, bác sĩ và sinh nở trong môi trường vô khuẩn với quy trình y tế chặt chẽ.
Tuyệt đối không được tự đẻ ở nhà hay cắt dây rốn kiểu dân gian như cắt rốn bằng dao cau, cật nứa, dao lam… gây nhiễm trùng và ảnh hưởng lâu dài, nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ.
Những ngày sau sinh phải chú ý giữ rốn bé sạch cho đến khi rốn rụng và khô sẹo. Rốn ướt, có mùi hôi hoặc dịch mủ, máu chảy, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Tiền sản giật
Tiền sản giật là nguyên nhân của nhiều tai biến sản khoa như đẻ non, thai chết lưu, nhau bong non… có thể đe dọa tính mạng cả mẹ và con.
Các xét nghiệm máu hiện đại cho phép phát hiện sớm nguy cơ tiền sản giật ở 20 tuần tuổi thai. Kết quả các chỉ số này sẽ giúp dự đoán nguy cơ gây tiền sản giật, từ đó các bác sĩ kịp thời đưa ra các phương hướng theo dõi và điều trị thích hợp trong thai kỳ.
Nếu không tiền sản giật có thể trở thành sản giật gây nhiều biến chứng nặng nề cho cả mẹ và con.
Phụ nữ mang thai nên cẩn trọng đề phòng tiền sản giật, đặc biệt là những người có tiền sử bị cao huyết áp, chỉ số BMI cao, mang thai lần đầu, mang thai khi đã lớn tuổi, tốt nhất nên thăm khám thai đều đặn suốt thai kỳ. Khi có dấu hiệu sinh, người mẹ cần đến ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ.
Nhiễm khuẩn sau sinh
Nếu các sản phụ sinh tại nhà hoặc sinh trong môi trường ngoài bệnh viện thì nguy cơ là tất cả các vi khuẩn thông thường như liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn Coli, vi khuẩn yếm khí... đều có thể tấn công và gây bệnh.
Nhiễm khuẩn sau sinh thường do vi khuẩn ở bộ phận sinh dục gây nên. Trước đây, cứ 10 sản phụ gặp tai biến này thì một tử vong. Tuy nhiên, tỷ lệ này hiện đã giảm còn 0,3% do y học tiên tiến hơn và người mẹ được sử dụng kháng sinh phù hợp.
Mức độ nhiễm khuẩn nặng hay nhẹ tùy theo sức khỏe của sản phụ, tùy theo độc tính của loại vi khuẩn (thường tụ cầu vàng có đặc tính cao) và tính kháng kháng sinh của chúng tùy theo bệnh được phát hiện và điều trị sớm hay muộn.
Các trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng có thể biến chứng xấu dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Do đó, tất cả thai phụ cần phải đến sinh con ở nhà hộ sinh, bệnh viện để các bác sĩ thăm thai, đỡ đẻ, làm các thủ thuật sản khoa theo đúng quy tắc vô khuẩn.
Sau khi sinh, người mẹ cũng cần được theo dõi 1 - 5 ngày, nếu ổn định mới được về nhà. Về nhà nếu thấy có các triệu chứng bất thường (ra nhiều dịch mủ, ra máu kéo dài, sốt, đau vùng bụng dưới...) thì phải đến khám ngay ở cơ sở y tế.
Những trường hợp tai biến nghiêm trọng, có nguy cơ xảy ra với bất cứ ai và có thể xảy ra ngay cả ở cả các bệnh viện tuyến trên.
Do đó, tốt nhất, để bảo vệ sức khỏe cho con và cho chính bản thân mình, người mẹ nên chọn phương thức sinh nở và bệnh viện để sinh con một cách an toàn.