Thói quen ăn uống là một trong những yếu tố chính, ảnh hưởng trực tiếp đến dạ dày và sức khỏe của bạn. Dưới đây là những thói quen có hại tới dạ dày.
Nhịn ăn sáng
Nếu không ăn sáng, dạ dày trống rỗng trong khi dịch vị vẫn bài tiết liên tục khiến lượng axit tăng cao, độ pH dạ dày thấp, kích thích co bóp. Triệu chứng có thể xảy ra như đau khi đói hoặc nóng rát sau xương ức.
Nhiều người bỏ bữa sáng lâu ngày thành thói quen, dạ dày quen dần và không còn cả cảm giác đói nhưng thực tế niêm mạc vẫn âm thầm bị tổn thương.
Ăn quá nhanh
Khi ăn quá nhanh, thức ăn sẽ không được tiêu hóa kỹ ở khoang miệng, trực tiếp chuyển đến dạ dày khi vẫn còn ở dạng thô. Điều này làm hại niêm mạc dạ dày, tăng gánh nặng và thời gian làm việc cho dạ dày, làm mệt mỏi cơ bắp dạ dày và giảm nhu động dạ dày.
Các chuyên gia khuyến nghị nên kéo dài ít nhất 20 phút. Bởi vì ăn quá nhanh không chỉ hại dạ dày mà còn dễ gây ăn quá nhiều, làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường cùng nhiều bệnh khác.
Ăn nhiều muối
Lượng muối cao sẽ làm giảm tiết acid dạ dày, giảm khả năng phòng vệ của niêm mạc dạ dày, khi đó hàng rào chất nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày sẽ dễ bị tổn thương, làm tăng nguy cơ viêm teo dạ dày.
Bên cạnh đó, nitrit có trong thực phẩm ngâm chua có thể phản ứng với các amin, sản phẩm phân hủy của protein trong dạ dày để tạo ra chất nitrosamine gây ung thư, chất này cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày .
Vì vậy, ăn ít muối không chỉ có lợi cho việc ngăn ngừa và điều trị bệnh cao huyết áp mà còn tốt cho dạ dày.
Ăn nhiều chất béo
Thức ăn nhiều chất béo khiến dạ dày làm rỗng chậm, thức ăn đọng lại lâu trong dạ dày sẽ kích thích tiết axit dạ dày và làm tăng tổn thương axit dạ dày đến niêm mạc.
Ngoài ra, chất béo sẽ kích thích mạnh tiết cholecystokinin, dễ gây trào ngược dịch mật và làm tổn thương niêm mạc dạ dày.
Ăn quá nhiều đồ chua
Ăn nhiều đồ chua, ăn ngay cả khi còn đói bụng là thói quen có thể nhanh chóng phá hủy niêm mạc dạ dày của bạn vì các đồ ăn, đồ uống có vị chua là môi trường acid.
Ăn quá nhiều đồ chua sẽ làm tăng acid dịch vị dạ dày gây phá hủy niêm mạc, tổn hại dạ dày.
Ăn khuya
Cuộc sống hiện đại khiến nhiều người có xu hướng thức khuya hơn. Vì thế, việc ăn khuya dần trở nên phổ biến.
Ban đêm là giờ đa số các hệ cơ quan sẽ “ngủ”. Do đó, không chỉ riêng dạ dày, ăn khuya còn khiến cả hệ thống tiêu hóa tăng thêm gánh nặng. Lâu dần chức năng hoạt động các hệ cơ quan này suy giảm và sớm mắc bệnh.
Ăn uống không vệ sinh
Việc ăn uống không vệ sinh rất dễ khiến bạn mắc các căn bệnh về đường ruột như viêm dạ dày cấp tính, đau dạ dày, đầy bụng, buồn nôn…
Vi khuẩn Helicobacter Pylori là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh dạ dày mãn tính, lây nhiễm qua đường ăn uống không vệ sinh.
Sử dụng rượu bia
Rượu bia hay đồ uống có cồn nói chung có khả năng làm tăng đáng kể lượng acid dạ dày được sản sinh từ đó gây nên các bệnh lý như viêm và loét dạ dày.
Hơn nữa sự tiếp xúc liên tục với cồn có thể gây ra viêm dạ dày mạn tính, làm tăng khả năng tạo điều kiện cho sự biến đổi tế bào dạ dày trở nên bất thường, đều này có thể dẫn đến tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Ngoài ra, rượu và bia có thể làm tăng nguy cơ trào ngược acid dạ dày vào thực quản, gây ra triệu chứng trào ngược dạ dày.
Sức khỏe của dạ dày quan trọng đối với hệ tiêu hóa và tổng thể của bạn. Việc thay đổi những thói quen trên có thể giúp bảo vệ dạ dày của bạn khỏi tác động có hại và duy trì sức khỏe tốt hơn.