Chờ...

Những thực phẩm tốt và không tốt cho người bị viêm loét dạ dày

VOH - Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến nhất. Căn nguyên của bệnh đa phần có liên quan đến tình trạng ăn uống và sinh hoạt kém điều độ.

Khi bị viêm loét dạ dày, bạn nên cẩn thận trong việc lên thực đơn hàng ngày để đảm bảo cơ thể vẫn được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ. Ngoài ra, việc này còn giúp dạ dày không phải làm việc quá sức. Dưới đây là những thực phẩm tốt và không tốt cho người bị viêm loét dạ dày.

Ảnh minh họa – 05-09-2024

Ảnh minh họa: Internet

Thực phẩm tốt cho người bị viêm loét dạ dày

Thực phẩm giàu chất xơ

Các loại táo, lê, yến mạch… giàu chất xơ rất tốt cho người bệnh viêm loét dạ dày. Chất xơ có khả năng giảm nồng độ acid trong dạ dày, khiến các triệu chứng đau chướng nhẹ hơn.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy rằng chế độ ăn giàu xơ hạn chế hiệu quả tình trạng viêm loét dạ dày.

Thực phẩm chứa lợi khuẩn

Các thực phẩm như sữa chua, miso, kim chi, sauerkraut, kombucha hay tempeh là những thực phẩm giàu lợi khuẩn (probiotic).

Những thực phẩm này tốt cho bệnh nhân loét dạ dày bởi lợi khuẩn hỗ trợ đầy lùi Helicobacter pylori, giúp quá trình điều trị lành vết loét thuận lợi hơn.

Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa

Nhiều chuyên gia dinh dưỡng đề cập đến nhóm thực phẩm giàu chất chống oxy hóa khi được hỏi bị viêm loét dạ dày nên ăn gì. Đây là nhóm thực phẩm đem lại nhiều lợi ích với sức khỏe nói chung và cơ quan tiêu hóa nói riêng.

Các nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng, một số hợp chất chống oxy hóa như beta-carotene, flavonoid, quercetin, curcumin… có khả năng chống viêm, phục hồi niêm mạc tiêu hóa và làm chậm quá trình lão hóa.

Ngoài ra, các hợp chất khác như bisabolol và apigenin còn có đặc tính kháng khuẩn. Đồng thời phát huy tốt khả năng ức chế tăng sản bất thường và kích thích tái tạo mô.

Các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa bao gồm: Nghệ, gừng, cà rốt, khoai lang, dâu tây, lựu, cam, trà hoa cúc, nha đam…

Thực phẩm giàu vitamin C

Ớt chuông đỏ chứa rất nhiều vitamin C bảo vệ dạ dày khỏi các vết loét ở các khía cạnh khác nhau. Vitamin C cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình lành vết thương.

Người thiếu vitamin C dễ xuất hiện các vết loét trong đó có loét dạ dày hơn những người khác. Ngoài ớt chuông đỏ thì còn rất nhiều thực phẩm khác giàu vitamin C như các loại trái cây họ cam chanh, dâu tây, kiwi và bông cải xanh.

Thực phẩm không tốt cho người bị viêm loét dạ dày

Thức ăn cay

Theo các chuyên gia dinh dưỡng những thực phẩm hoặc gia vị cay nồng như ớt, tiêu xanh, sa tế... có thể khiến tình trạng viêm loét dạ dày trở nên trầm trọng hơn. Do đó, bạn cần hết sức lưu ý.

Rượu và đồ uống có cồn

Người có nguy cơ cao viêm loét dạ dày hoặc người đã bị loét dạ dày nên tránh xa rượu và các loại đồ uống có cồn.

Nghiên cứu đã chứng minh rượu gây kích thích, thậm chí làm tổn hại ống tiêu hóa, là nguyên nhân khiến các vết loét dạ dày trầm trọng hơn.

Sữa tươi

rước khi các phương thức điều trị loét dạ dày hiện đại ra đời, sữa đã từng được tin rằng có khả năng làm liền các vết loét dạ dày, nhưng nó là một niềm tin sai lầm.

Sữa không những không có khả năng làm liền hay giảm nhẹ các vết loét, mà nó còn có thể khiến dạ dày tiết ra nhiều acid hơn, làm cho tình trạng loét trở nên tệ hơn.

Các đồ ăn giàu chất béo

Các đồ ăn giàu chất béo tốn nhiều thời gian để tiêu hóa hơn, dẫn tới tình trạng đau và chướng bụng, và tình trạng càng tệ hơn ở người bị loét dạ dày. Tốt nhất là hãy hạn chế tiêu thụ các đồ ăn này.

Chocolate

Chocolate có nhiều lợi ích với sức khỏe. Tuy nhiên, chocolate thường khó tiêu hóa, dẫn đến cảm giác khó chịu bụng, nhất là với người mắc viêm loét dạ dày.

Viêm loét dạ dày nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Cách bảo vệ sức khỏe tốt nhất là thường xuyên thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ.