Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Nuôi động vật hoang dã làm thú cưng, cần làm gì để đảm bảo an toàn?

VOH - Ngoài chó và mèo, ngày càng có nhiều người chọn động vật hoang dã làm thú cưng như (trăn, thằn lằn, nhện…).

Nuôi thú cưng, từ chó, mèo đến chim, cá, vật nuôi được thuần hóa đã được biết đến là có tác dụng cải thiện sức khỏe tinh thần con người, giảm căng thẳng và mang lại cảm giác thoải mái.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngày càng có nhiều người chọn động vật hoang dã làm thú cưng. Việc nuôi động vật hoang dã làm thú cưng (như trăn, thằn lằn, nhện…) có vẻ là một ý tưởng thú vị nhưng nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cả động vật và 'chủ nhân' của chúng.

thú cưng
Nuôi động vật hoang dã làm thú cưng tiềm ẩn nhiều rủi ro - Ảnh: Ideal magazine

Động vật hoang dã non có thể trông dễ thương và thân thiện, nhưng khi trưởng thành về mặt tình dục, chúng có thể thể hiện những hành vi hung dữ, phá hoại, có thể gây nguy hiểm cho con người và bản thân chúng. Đây là những bản năng mà chúng sinh ra đã có.

Thuần hóa là một quá trình dài qua nhiều thế hệ. Những thú cưng phổ biến của con người như chó và mèo đã được thuần hóa qua nhiều thế kỷ sống bên cạnh con người nhưng động vật hoang dã là một chuyện rất khác.

Các chuyên gia cho rằng, động vật hoang dã rất khó đoán định và có thể hung dữ nếu chúng cảm thấy bị đe dọa hoặc căng thẳng. Ngoài tác hại về thể chất, động vật hoang dã còn có thể mang các bệnh truyền sang người như bệnh dại, vi khuẩn salmonella và cúm gia cầm...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan - Trưởng Khoa Thú y - Chăn nuôi, trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH), các động vật này chưa được cơ quan nhà nước cấp phép nuôi, cũng như chưa có biện pháp phòng bệnh rõ ràng trừ những nơi được cấp phép bảo tồn một số loài động vật hoang dã. Trong đó, có một số loài động vật quý hiếm cần được bảo tồn - phải được sự cấp phép của cơ quan có chức năng mới được nuôi.

Tiến sĩ Loan cho biết, ở nước ngoài, việc nuôi một loại động vật hoang dã cũng cần có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh và được tập huấn an toàn đối với một số loài động hoang dã đẹp nhưng có tính nguy hiểm. Còn ở Việt Nam, khi muốn nuôi một loài động vật hoang dã nào đó cũng cần xin giấy phép.

Xem thêm: Gia đình có trẻ nhỏ cần lưu ý gì khi nuôi thú cưng?

Nếu như chó mèo tính thuần chủng cao (trừ một số giống chó có tính hung dữ hay tấn công người) và con người hiểu được tập tính cũng như phòng bệnh đầy đủ, thì động vật hoang dã ngoài tự nhiên – dù mang về nuôi từ nhỏ nhưng tính bản năng hoang dã vẫn còn nên rất nguy hiểm nếu không hiểu được tập tính của chúng.

Để đảm bảo động vật hoang dã không lây truyền một số bệnh sang người, người nuôi cần có biện phòng bệnh hợp lý như vệ sinh, sát trùng chuồng nuôi, tiêm phòng vaccine định kỳ và phải được thuần hóa, huấn luyện kỹ.

Đối với những gia đình có trẻ em mà có nuôi động vật hoang dã, nên hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với chúng. Bởi vì, trẻ em chưa hiểu được tập tính của các loài động vật hoang dã, việc tiếp xúc có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu có tiếp xúc thì cũng cần được kiểm soát để xử lý các tình huống phức tạp xảy ra.