Phần 1: Nguyên nhân và triệu chứng Lao ruột

(VOH) - Lao ruột là một nhiễm khuẩn đường tiêu hóa đặc hiệu do trực khuẩn lao gây ra.

Bệnh hiếm gặp, việc chẩn đoán và điều trị còn nhiều khó khăn, cho nên tỷ lệ mắc phải và các biến chứng do bệnh còn khá cao. Nếu không điều trị kịp thời gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh với tỷ lệ tử vong chiếm 11%. 

Bệnh nhân lao ruột gặp nhiều ở người trẻ tuổi, đang độ tuổi lao động, nhất là lứa tuổi từ 30 đến 55 tuổi, do vậy lao ruột có ảnh hưởng nhiều đến gia đình và xã hội.

Tư vấn từ lương y Nguyễn Công Đức, nguyên giảng viên Đại học Y dược TPHCM.

Đọc giả có thể nghe hoặc đọc chi tiết phần tư vấn về Lao ruột. 

Nguyên nhân gây bệnh Lao ruột

Vi khuẩn gây bệnh ngoài trực khuẩn lao người, ngày nay người ta còn thấy các loại trực khuẩn lao bò, lao chim và loại trực khuẩn không đặc biệt có khả năng gây bệnh ở người, nhất là với những người nhiễm HIV/AIDS.

Nguồn lây nhiễm trong lao ruột là do vi khuẩn xâm nhập trực tiếp qua đường ăn uống, chủ yếu do dùng sữa bò tươi và chế phẩm của sữa như kem, bơ, pho-mát có trực khuẩn lao bò hoặc do bú sữa mẹ, thông thường là do thức ăn, nước uống bị ô nhiễm trực khuẩn lao. Bệnh gặp thứ phát do một ổ lao ngoài ruột đang tiến triển hoặc đã ổn định, vi khuẩn xâm nhập qua đường máu, đường mật vào đường tiêu hóa và gây bệnh.

Ðáng lưu ý là hơn 60% các trường hợp lao ruột có tiền sử lao phổi đã và đang điều trị, trong đó trên 50% trường hợp có tiền sử lao dưới một năm và bệnh vẫn có thể xảy ra ngay trong quá trình điều trị bệnh lao.

Triệu chứng Lao ruột: 

1. Các triệu chứng thời kỳ khởi phát Lao ruột:

a. Toàn thân:
- Gầy nhanh, xanh xao
- Mệt mỏi, sốt về chiều, ra mồ hôi trộm.

b. Triệu chứng về tiêu hoá:
- Đi ngoài phân lỏng ngày 2-3 lần, phân sền sệt, hôi thối. Đi lỏng kéo dài, dùng các thuốc cầm tiêu chảy vẫn không có tác dụng. Có thể xen kẽ tiêu chảy với táo bón, có khi khỏi vài ngày lại tái phát.
- Đau bụng: đau bụng âm ỉ, không có vị trí cố định, khi đau bụng thường mắc đi cầu, sau khi đi cầu xong thì dịu đau. Đau bụng thường có sôi bụng kèm theo.

2. Các triệu chứng thời kỳ toàn phát:
Thời kỳ bệnh toàn phát biểu hiện triệu chứng khác nhau tuỳ theo thể bệnh:

a. Thể loét tiểu tràng, đại tràng:
- Bệnh nhân đau bụng nhiều, sốt cao, tiêu chảy lỏng kéo dài .
- Bụng hơi to, có nhiều hơi, sờ bụng không thấy gì đặc biệt.
- Phân loãng, mùi hôi thối, màu vàng, có lẫn mủ, nhầy và ít máu.
- Suy kiệt nhanh, xanh xao, biếng ăn. Có bệnh nhân sợ ăn vì ăn vào thì lại đau bụng, phân lỏng.

b. Thể to hồi manh tràng:
- Bệnh nhân lúc thì tiêu chảy, khi lại táo bón, phân lẫn máu nhầy mủ, không bao giờ phân bình thường.
- Nôn mửa và đau bụng.
- Khám hố chậu phải thấy u mềm, ấn đau, di động ít.

c. Thể hẹp ruột:
- Sau khi ăn thấy đau bụng tăng lên .
- Đồng thời bụng nổi lên các u cục, khi co chân lại thấy trên bụng có dấu hiệu như rắn bò.
- Sau 10-15 phút nghe có tiếng hơi di động trong ruột và cảm giác hơi đi qua chỗ hẹp.
- Khám bụng ngoài cơn đau không thấy dấu hiệu gì.

>>>> Phần 2: Phác đồ và bài thuốc hỗ trợ điều trị Lao ruột