Phù chi dưới, loét tĩnh mạch do huyết khối tĩnh mạch sâu

(VOH) - Huyết khối tĩnh mạch sâu là một bệnh lý gây hậu quả nặng nề và đang ngày càng phổ biến.

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vừa tổ chức chương trình tư vấn “Nhịp cầu tim mạch” với chủ đề “Phù chi dưới, loét tĩnh mạch do huyết khối tĩnh mạch sâu” với sự đồng hành của ThS BS. Lê Phi Long, Phó trưởng Khoa Lồng ngực – Mạch máu và BS CKI. Nguyễn Đức Chỉnh - Khoa Tim mạch can thiệp.

Tại chương trình, các chuyên gia cho biết, có khoảng 80% trường hợp người bệnh mắc huyết khối tĩnh mạch sâu không phát hiện triệu chứng cho đến khi xảy ra biến chứng nặng hơn là thuyên tắc phổi. Trường hợp không gặp biến chứng thuyên tắc phổi, có đến 20-50% người bệnh sau này bị hội chứng hậu huyết khối với biểu hiện phù chi dưới, loét tĩnh mạch gây đau nhức và giới hạn vận động.

huyết khối tĩnh mạch sâu
80% trường hợp người bệnh mắc huyết khối tĩnh mạch sâu không phát hiện triệu chứng cho đến khi xảy ra biến chứng nặng hơn

Nhận biết phù chi dưới, loét tĩnh mạch do huyết khối tĩnh mạch sâu

Huyết khối (thrombosis) là hiện tượng hình thành cục máu đông bệnh lý trong mạch máu hoặc trong buồng tim trên người sống. Các cục máu đông này có thể gây tắc mạch tại chỗ hoặc di chuyển theo dòng máu đến gây tắc cho các mạch máu ở đoạn xa.

Tĩnh mạch là mạch máu thuộc hệ tuần hoàn trong cơ thể, có vai trò vận chuyển máu từ các mao mạch có lượng oxy thấp trở về tim. Hệ thống tĩnh mạch bị huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu gây loét da vùng dưới, vị trí tĩnh mạch bị huyết khối, đau chân, phù nề kéo dài.

Tình trạng này sẽ khiến cho người bệnh phải sống trong tình trạng đau đớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đi lại. Về lâu dài, huyết khối ở chi dưới có thể di chuyển đến vị trí các động mạch phổi gây tắc phổi, suy hô hấp cấp thậm chí là đột tử.

Đối tượng dễ bị huyết khối tĩnh mạch là những người có tình trạng tăng đông, bệnh nhân bị chấn thương, mới mổ xong, nằm lâu, nhiễm trùng… Bên cạnh đó, còn có yếu tố sinh hoạt trong cuộc sống như: ngồi lâu, đứng lâu cũng làm tăng yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Theo BS CKI. Nguyễn Đức Chỉnh, có tới 17% yếu tố tăng đông liên quan tới di truyền và 80% còn lại liên quan tới sinh hoạt trong cuộc sống và do bệnh lý. Với những bệnh nhân đã có nền bệnh trước khoảng 50% sẽ tiến triển sang hậu huyết khối và 5 - 10% sẽ có loét tĩnh mạch.

Trong nghiên cứu RIETE, nghiên cứu đa trung tâm trên 27 quốc gia (trong đó có Việt Nam) với khoảng 120.000 bệnh nhân tham gia, tỷ lệ loét chi sau 1, 2 và 3 năm lần lượt là 2,7%, 4,3% và 7,1%. Nguy cơ loét chi hậu huyết khối tăng 5,5 lần khi có huyết khối tĩnh mạch, tăng 2,3 lần khi có tiểu đường, tăng 3,2 lần khi có giãn tĩnh mạch, tăng 2,5 lần ở nam giới và tăng 2 lần ở người béo phì.

Phương pháp điều trị phù chi dưới, loét tĩnh mạch do huyết khối tĩnh mạch sâu

Về phương pháp điều trị bệnh, bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thường chia làm ba nhóm. Đầu tiên là nhóm điều trị về lối sống, những đối tượng này cần hạn chế đứng lâu, ngồi lâu, tăng cường vận động, ngoài ra còn cần kết hợp các biện pháp hỗ trợ như đi vớ áp lực hoặc sử dụng băng ép để làm giảm tình trạng ứ trệ tĩnh mạch, huyết khối trong tương lai.

Nhóm thứ hai là nhóm điều trị bằng thuốc, một trong những thuốc điều trị chính là thuốc kháng đông, kết hợp với những thuốc tăng cường hoạt động tĩnh mạch. Nhóm thứ ba là nhóm can thiệp phẫu thuật.

Phù chi dưới, loét tĩnh mạch do huyết khối tĩnh mạch sâu thường xảy ra với phụ nữ trong giai đoạn mang thai và người đang điều trị ung thư về cơ bản phương pháp điều trị cũng giống như trên. Tuy nhiên theo BS CKI. Nguyễn Đức Chỉnh cần có một số lưu ý như: Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ nguy cơ tăng đông lên rất nhiều, nếu bệnh nhân chưa từng điều trị cần cân nhắc sử dụng các thuốc kháng đông, nên theo dõi, thăm khám thường xuyên. Bệnh nhân ung thư đang dùng thuốc hóa trị, xạ trị, đặc biệt là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối cũng cần phải theo dõi kỹ và làm theo chỉ định của bác sĩ.

Xem thêm: Những điều mẹ bầu cần lưu ý về bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu

Theo ThS BS. Lê Phi Long, hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nguy cơ tái phát bệnh huyết khối tĩnh mạch nếu đó là những yếu tố nguy cơ thoáng qua, còn đó là những yếu tố nguy cơ mang tính di truyền hoặc khó ngăn ngừa thì tỷ lệ tái phát cao cần tái khám, uống thuốc và theo chỉ dẫn của bệnh viện.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, những biện pháp phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch như: thay đổi chế độ sinh hoạt, vận động sớm sau mổ, tập vận động, vật lý trị liệu; mang vớ áp lực phòng ngừa; vớ hơi ngắt quãng; sử dụng thuốc kháng đông hay đặt lưới lọc tĩnh mạch. Với những bệnh nhân sử dụng thuốc kháng đông, cần chú ý liều lượng thật chính xác phù hợp với thể trạng của cơ thể, theo hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời thay đổi lối sống và rèn luyện cơ thể.