Phương pháp gây tê ngoài màng cứng có dẫn đến đau lưng sau sinh?

(VOH) – Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp giảm đau được nhiều mẹ bầu lựa chọn khi sinh nở. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng phương pháp này có thể gây đau lưng sau sinh. Vậy điều này có đúng?

Câu hỏi thính giả

Chào bác sĩ, em vừa sinh xong được 1 tháng và khi sinh thì có chọn phương pháp gọi là giảm đau khi sinh bằng cách chích ngoài màng cứng. Không hiểu sao, em đã sinh được 1 tháng rồi nhưng tình trạng đau lưng vẫn rất là khủng khiếp,  nhiều khi ngồi cho con bú cũng không thể ngồi được. Bác sĩ cho em hỏi, có phải do em dùng biện pháp gây tê ngoài màng cứng cho nên tình trạng đau lưng mới nhiều như vậy hay không, và khi mới vừa sinh con xong ở giai đoạn mới chỉ 1 tháng thôi thì có cách nào để mình giảm những cơn đau hay không?

1. BSCKII Bùi Thanh Vân (Khoa Sản phụ khoa, BV Từ Dũ) giải đáp 

1.1 Gây tê ngoài màng cứng không gây đau lưng

Rất nhiều chị em phụ nữ đều cho rằng, phương pháp gây tê ngoài màng cứng chính là nguyên nhân dẫn đến đau lưng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Thanh Vân, loại thuốc sử dụng trong phương pháp gây tê ngoài màng cứng là thuốc tê, chỉ có tác dụng giảm đau, không có tác dụng gây đau.

Vì thế, thai phụ chỉ có cảm giác đau vào một thời điểm duy nhất đó là khi bác sĩ thực hiện động tác đâm kim vào da và cơn đau mà thai phụ cảm nhận là đau do kim đâm, không phải do thuốc tê. 

1.2 Tại sao phụ nữ sau sinh lại bị đau lưng?

phuong-phap-gay-te-ngoai-cung-co-dan-den-dau-lung-sau-sinh-voh

Cho con bú sai tư thế cũng là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bị đau lưng (Nguồn: Internet)

Bác sĩ Thanh Vân cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho phụ nữ sau sinh bị đau lưng, chẳng hạn như:

  • Cột sống bị ảnh hưởng trong thai kỳ

Trong suốt quá trình mang thai bản thân thai phụ đã có cảm giác bị đau lưng. Bởi vì bình thường cột sống của người phụ nữ sẽ “thẳng thắn” theo đúng tư thế. Tuy nhiên khi mang thai, các mẹ phải “mang” một tử cung có chứa em bé, bánh nhau, túi nước ối, một lượng lớn cơ tử cung... điều này chắc chắn sẽ gây ra những ảnh hưởng trên cột sống. 

  • Chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ không hợp lý

Nếu trong thai kỳ chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu không hợp lý sẽ bị khiến các mẹ bị mất một khối lượng xương do phải chuyển sang cho thai nhi nhằm tạo thành bộ xương cho em bé. Ngoài ra, mẹ bầu còn phải mất một số chất bột để tạo thành các cơ bắp con. 

  • Tư thế ngồi chăm con sai, ít vận động

Một nguyên nhân khác các mẹ bị đau lưng nhiều hơn sau sinh là do ngồi sai tư thế khi chăm con, cho con bú, thay tã... Hoặc do ngồi nhiều hơn nằm, ít vận động,... 

Tất cả những yếu tố trên chính là nguyên nhân cốt lõi khiến sản phụ bị đau xương, đau lưng, thậm chí là loãng xương, xẹp xương, còng lưng sau sinh.

1.3 Làm cách nào khắc phục chứng đau lưng sau sinh?

Để giảm đau lưng sau khi sinh, trong suốt thời kỳ mang thai các mẹ bầu nên chú ý bổ sung những dinh dưỡng đầy đủ.

Bên cạnh đó, nên thực hiện một vài bài tập vận động sau sinh. Có thể thực hiện các động tác tập thể dục nhẹ nhàng để cho cơ bắp hoạt động trở lại, dẻo dai như bình thường. 

Tránh nằm một chỗ quá lâu, bởi nằm một chỗ sẽ khiến máu huyết bị ứ đọng, trì trệ, cơ thể cũng dễ mệt mỏi, đau nhức. 

Như vậy, đau lưng không phải hệ quả của việc áp dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng, bởi một người thực hiện gây tê ngoài màng cứng và một người không áp dụng phương pháp này, sau sinh vẫn bị tình trạng đau lưng như nhau. Và nếu muốn giảm đau lưng thì các mẹ hãy thường xuyên vận động, xoa bóp, cũng như phải có một chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Bạn có thể nghe lại câu trả lời của bác sĩ tại audio dưới đây:

 
Bình luận