Quy trình báo động đỏ - ngắt hồi chuông báo tử

(VOH) - Cách đây 5 năm TS.BS Tăng Chí Thượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, quyết làm bước đột phá đưa vào vận hành quy trình báo động đỏ với mục tiêu hồi sinh những sinh linh bé bỏng đang ở lằn ranh sự sống và cái chết.

Cuộc chiến giữa đội ngũ y bác sỹ và thần chết

Quy trình này đòi hỏi phải đưa ra những quyết định nhanh, chính xác, dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng... Nói thì dễ nhưng khi vào tình huống thực tế, gặp những ca khẩn cấp này đây quả là cuộc chiến cân não giữa đội ngũ y bác sỹ và thần chết.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu  - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 kể lại, khi tiếp nhận bé Dương Minh Phát bị dao đâm xuyên sọ - đây cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời làm nghề ông gặp phải cảnh tượng kinh hoàng  như thế. Con dao dài ngoằng còn găm trên trán đứa bé mới chỉ 12 ngày tuổi, sinh mệnh ngàn cân treo sợi tóc.

“Chúng tôi nhận em bé vào lúc 6 giờ 45 thứ Bảy. Khi tiếp nhận ca này ở cấp cứu, chúng tôi đánh giá đây là ca rất nặng. Có lẽ trong đời phẫu thuật của tôi đây là ca đầu tiên và khó lòng có ca thứ hai. Vì đánh giá ca rất nặng nên chỉ trong vòng nửa tiếng chúng tôi đã tập hợp tất cả đội ngũ êkíp bác sĩ chuyên gia về các lĩnh vực để đánh giá và tiên lượng”, bác sĩ Hiếu nhớ lại.

Ca mổ này phải nói là kỳ công, từ khâu chuẩn bị, đến lúc tiến hành phẫu thuật. Lúc đó, bệnh viện phải huy động mọi nguồn lực từ con người, trang thiết bị, ngân hàng máu…kể cả mời đồng nghiệp từ chuyên khoa ngoại thần kinh đến hỗ trợ.

Chuẩn bị vất vả, cực khổ để rồi vào phòng mổ, tỉ mỉ từng khâu không được sơ sót và chỉ chờ đợi cái khoảnh khắc rút chiếc dao ra chỉ trong vài phút một cách an toàn. Nhớ lại lúc ấy, bác sĩ Hiếu vẫn còn cảm giác tay khi rút dao ra khỏi sọ bé, cả êkip mổ gần như nín thở, chỉ cần một diễn biến gì bất thường thì coi như mọi cố gắng bằng không.

Dù hôm đó là ngày thứ Bảy, nhưng khi nhận lệnh báo động đỏ, cả nhóm lập tức có mặt ở bệnh viện trong thời gian sớm nhất có thể…Lúc nhận được tin có cháu bé bị dao đâm xuyên sọ, bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh  - Bệnh viện Nhi đồng 1 đang đi siêu thị. Vậy là, đồ đạc phải gửi lại trong siêu thị, chị tất tả chạy ù vào bệnh viện để hội chẩn cùng các đồng nghiệp.

Bây giờ chị cũng không biết mình chạy bằng cách nào mà chỉ khoảng hơn mười phút sau là đã có mặt ngay tại khoa cấp cứu. Bao nhiêu lần các bé sơ sinh vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng khẩn cấp thì bấy nhiêu lần vị bác sĩ phải trực chiến.

Chúng tôi đã hỏi bác sĩ Thanh Tâm có căng thẳng lắm không từ khi bệnh viện triển khai quy trình báo động đỏ này, bác sĩ Tâm cười vui nói: “Khi mình nhận tín hiệu, mình đến ngay bệnh viện chứ không lăn tăn gì hết, cũng không nghĩ là mình đang bỏ cuộc vui hay đang hy sinh. Khi nhận nhiệm vụ thì chỉ đi và đi làm thôi”.

Bé Dương Minh Phát vượt qua cơn nguy kịch nhờ quy trình báo động đỏ (Ảnh: VOH)

Trong những ca được cứu sống ngoạn mục nhờ vào quy trình báo động đỏ có thể kể đến là 2 cháu trai ở Quận 5 bị một người đàn ông lạ vào nhà chém nhiều nhát, rồi vụ bé sơ sinh văng khỏi bụng mẹ từ tai nạn xe và mới đây nhất là bé Dương Minh Phát bị dao đâm xuyên sọ. Hơn 5 năm qua, chính nhờ quy trình báo động đỏ này mà có hơn chục bệnh nhi vượt qua cơn nguy kịch một cách ngoạn mục…

Với những ca đặc biệt này, chỉ chần chừ vài phút thôi là coi như sinh mạng bé vuột khỏi tầm tay. Khi vận hành quy trình này, theo TS.BS Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ một khi nhận lệnh thì tất cả đều phải trong tâm thế sẵn sàng và sẵn sàng.

“Khi phát đi tín hiệu báo động đỏ, tất cả các thành viên trong ê kíp từ gây mê, hồi sức, phẫu thuật, ngân hàng máu đang ở đâu thì lập tức phải có mặt tại bệnh viện trong thời gian sớm nhất, với tinh thần cứu người như cứu hỏa. Quyết định nhanh, chính xác, phối hợp đồng bộ, nhịp nhành giữa các ê kíp từ chỗ phẫu thuật cấp cứu, hồi sức, gây mê.. .Trước đây nếu không áp dụng quy trình thì nhanh nhất cũng mất 30 phút để hội chẩn và chuyển bệnh nhân lên phòng mổ, trong khi có quy trình này chỉ cần khoảng 5 phút chuyển bệnh nhân vào phòng mổ thì có thể cứu sống bệnh nhân”, Ts Hùng chia sẻ.

...để mang lại nụ cười

Để cứu sống các em nhỏ thì bất kể giá nào các bác sỹ trong quy trình phải nỗ lực hết mình. Ngay như cả gia đình bé Phát, giờ đây, bồng con bụ bẫm trên tay, được ôm con vào lòng hít hà mùi sữa còn thơm, mẹ của bé không tin được bé sẽ được hồi sinh. Nếu không nhờ quy trình này, gia đình bé sẽ vĩnh viễn không có được tiếng cười đùa rôm rả như ngày hôm nay.

Mẹ bé Phát xúc động nói: “Bây giờ em mới thấy bác sĩ quá giỏi, con em như vậy mà cứu sống được. Bác sĩ chăm sóc các cháu rất tốt. Em cám ơn tập thể bệnh viện Nhi đồng 1 không chỉ cứu mạng con em mà còn cả em nữa, em mừng lắm, cái ơn này em mang theo suốt đời”.

Mỗi bác sỹ được huy động khẩn cấp trong quy trình đều rèn luyện cho mình “một trái tim nóng và một cái đầu lạnh”. Mệnh lệnh trái tim không cho phép người bác sĩ  buông xuôi dù trong hoàn cảnh nào. Với hiệu quả trông thấy được tại Bệnh viện Nhi đồng 1, người dân có quyền hy vọng ngày càng có nhiều hơn nữa quy trình báo động đỏ được triển khai rộng khắp các cơ sở y tế.