Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Răng bị mẻ phải làm sao?

(VOH) - Răng bị mẻ tuy không gây nguy hiểm nghiêm trọng nhưng có thể làm kích ứng lưỡi và nướu nếu không xử lý kịp thời. Vậy khi răng bị mẻ nên xử lý như thế nào?

1. Vì sao răng bị mẻ?

Men răng là một trong những bộ phận cứng nhất trong cơ thể nhưng cũng có thể bị ảnh hưởng nếu gặp tác động quá mạnh. Khi gặp các tác động mạnh, răng sẽ bị mẻ và biến dạng.

Bạn có thể bị mẻ răng trong các trường hợp như:

rang-bi-me-phai-lam-sao-voh

Răng yếu mà cắn vật cứng sẽ có nguy cơ bị mẻ răng (Nguồn: Internet)

  • Bị tai nạn giao thông.
  • Cắn vật cứng như đá, kẹo hay xương.
  • Mắc chứng nghiến răng khi ngủ.
  • Không đeo dụng cụ bảo vệ răng khi chơi thể thao.

Khi không gặp phải các trường hợp trên và răng bị mẻ thì có thể do các nguyên nhân sau đây:

  • Thứ nhất là sâu răng: Sâu răng sẽ làm ảnh hưởng đến men răng. Ngoài ra, những vết trám răng sâu quá lớn cũng có thể làm răng yếu đi.
  • Thứ hai là do thói quen nghiến răng: Nghiến răng sẽ khiến men răng ngày càng mòn đi và dễ bị mẻ khi có tác động mạnh.
  • Thứ ba là do răng bị mài mòn tự nhiên: Thường xuyên có thói quen sử dụng thực phẩm có tính axit như dưa chua, cà muối, giấm, chanh, thơm (khóm),…sẽ làm răng bị mài mòn theo thời gian và dễ bị mẻ khi có tác động mạnh.
  • Thứ tư là do tình trạng thiếu canxi: Cơ thể thiếu canxi sẽ khiến răng bị yếu và dễ mẻ.
  • Thứ năm là do tuổi cao: Men răng sẽ yếu dần theo độ tuổi. Những ai trên 50 tuổi thường có men răng yếu hơn nên dễ bị mẻ răng hơn.
  • Thứ sáu do vị trí của răng: Mẻ răng hàm dưới là trường hợp phổ biến nhất.

2. Răng bị mẻ phải làm sao?

Nếu chẳng may răng bị mẻ thì bạn nên đến gặp nha sĩ để thăm khám và được xử lý đúng cách. Tùy vào nguyên nhân cũng như mức độ bị mẻ mà nha sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách xử lý thích hợp.

Đối với những chỗ mẻ răng nhỏ, bạn chỉ cần đến nha sĩ để đánh bóng răng. Những chỗ mẻ lớn hơn, nha sĩ sẽ cần thực hiện những cách chữa phức tạp hơn.

Dưới đây là một số cách xử lý tình trạng răng bị mẻ:

2.1 Hàn răng

Nếu bạn vẫn giữ được mảnh răng bị mẻ, bạn có thể bỏ mảnh răng này vào một ly sữa và mang đến nha sĩ để hàn ngay. Canxi trong ly sữa sẽ giúp bảo vệ mảnh răng mẻ.

2.2 Trám răng

Nếu bạn không giữ được phần răng bị mẻ, hãy đến nha sĩ để trám răng. Nha sĩ sẽ dùng nhựa composite resin hay sứ để trám vào chỗ mẻ, nhằm phục hồi hình dạng của răng. Sau khi trám, nha sĩ sẽ dùng ánh sáng cực tím để làm khô, cứng chỗ trám rồi lại tiếp tục chỉnh hình cho tới khi răng có được hình dạng mong muốn.

2.3 Dán sứ veneer

Trước khi thực hiện dán sứ veneer, nha sĩ sẽ cạo bớt một phần rất nhỏ (dưới 1mm) men răng để có không gian dán veneer.

Nha sĩ sẽ xem xét hình dáng răng của bạn để tạo miếng dán sứ thích hợp rồi giúp bạn dán vào răng. Miếng dán này rất bền nên có thể dùng được tới 30 năm.

2.4 Bọc răng

Tùy thuộc vào độ nặng nhẹ của chỗ răng bị mẻ, nha sĩ sẽ tư vấn về quá trình bọc răng cho bạn và lấy mẫu răng để làm bọc phù hợp. Các nha sĩ có thể sẽ gây tê cho bạn khi bắt đầu tiến hành quá trình.

Miếng bọc răng thường khá bền nhưng có thể mòn nhanh nếu bạn nhai quá mạnh hay ăn đồ ăn có hại cho răng.

3. Điều cần làm trước khi đến nha sĩ chữa răng bị mẻ

Khi bị mẻ răng thì cách chữa tốt nhất là đến nha sĩ. Tuy nhiên, bạn cần chăm sóc cho răng trước khi đến nha sĩ để giảm thiểu tổn thương lưỡi và răng. Bạn nên thực hiện những điều sau:

rang-bi-me-phai-lam-sao-voh

Bị mẻ răng cần xử lý sớm để tránh ảnh hưởng đến lưỡi và răng (Nguồn: Internet)

  • Đặt kẹo cao su không đường hay sáp răng lên chỗ mẻ để bảo vệ lưỡi và nướu khi nhai hoặc nói chuyện.
  • Nếu thấy đau, bạn có thể uống thuốc giảm đau.
  • Bạn có thể chườm đá lên má hay hàm nếu răng mẻ gây kích ứng ở khu vực này.
  • Bạn hãy dùng chỉ nha khoa lấy hết thức ăn thừa kẹt trong kẽ răng để giảm áp lực nhai lên răng và tránh các viêm nhiễm.
  • Bạn nên tránh dùng răng bị mẻ để nhai.
  • Bạn có thể bôi dầu đinh hương lên nướu để bớt đau.
  • Đeo dụng cụ bảo vệ răng nếu bạn muốn chơi thể thao. Bạn cũng cần đeo dụng cụ này khi đi ngủ nếu bạn có tật nghiến răng.

Nhìn chung, răng bị mẻ không nguy hiểm hay gây đau đớn nhiều nhưng bạn vẫn cần chữa trị để răng khỏe mạnh hơn về sau. Bạn đừng sợ đến nha sĩ vì quá trình chữa răng mẻ thường nhanh và ít đau.

Bình luận