Chờ...

Nhổ răng khôn: Nên hay không nên?

( VOH ) - Nhổ răng khôn không đơn giản như nhổ một cái răng sữa. Do đó, hãy trang bị có mình những kiến thức cần thiết để biết có nên nhổ răng khôn không.

Răng khôn hay còn gọi là răng hàm lớn thứ ba, là răng mọc muộn nhất kể từ lúc 18 tuổi trở lên. Chính vì răng này mọc vào tuổi trưởng thành nên người ta gọi là “răng khôn” chứ không phải là răng có khả năng giúp con người trưởng thành hơn.

1. Có nên nhổ răng khôn?

Răng khôn thường mọc lệch và gây ra nhiều biến chứng vì khi nó mọc, các răng khác đã mọc hoàn thiện và xương hàm đã cứng nên không đủ chỗ cho nó mọc lên bình thường. Răng khôn cần nhổ trong các trường hợp sau đây:

nho-rang-khon-nen-hay-khong-nen-voh

Răng khôn thường mọc lệch (Nguồn: Internet)

  • Chúng ta cần nhổ răng khôn khi việc mọc răng gây ra các biến chứng đau đớn, nhiễm trùng lặp đi lặp lại, u nang, ảnh hưởng đến răng lân cận.
  • Khi răng khôn chưa gây ra biến chứng nhưng giữa răng khôn và răng bên cạnh có khe giắt thức ăn, có thể ảnh hưởng đến răng bên cạnh thì cũng cần nhổ răng khôn để ngăn ngừa biến chứng.
  • Khi răng khôn mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở bởi xương và nướu nhưng không có răng đối diện ăn khớp, khiến răng khôn trồi dài xuống hàm đối diện, tạo bậc thang giữa răng khôn và răng bên cạnh, gây nhồi nhét thức ăn, lở loét nướu hàm đối diện.
  • Răng khôn mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở bởi xương và nướu, nhưng hình dạng răng khôn bất thường, nhỏ, dị dạng, gây nhồi nhét thức ăn với răng bên cạnh, lâu ngày gây sâu răng và viêm nha chu răng bên cạnh thì cũng có chỉ định nhổ.
  • Bệnh nhân muốn nhổ răng khôn để chỉnh hình, làm răng giả, hoặc răng khôn là nguyên nhân của một số bệnh toàn thân khác cũng nên được nhổ bỏ.

Tuy nhiên, không phải tất cả răng khôn đều cần phải nhổ, răng khôn sẽ không cần nhổ trong các trường hợp sau đây:

  • Răng khôn mọc thẳng, bình thường, không bị kẹt bởi mô xương và nướu, không gây biến chứng, thì có thể được giữ lại với điều kiện bệnh nhân cần dùng chỉ tơ nha khoa và bàn chải để làm sạch một cách triệt để.
  • Bệnh nhân mắc một số bệnh lý mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, rối loạn đông cầm máu… Hoặc răng khôn liên quan trực tiếp đến một số các cấu trúc giải phẫu quan trọng như xoang hàm, dây thần kinh… mà không thể sử dụng các phương pháp phẫu thuật chuyên biệt để thực hiện cũng sẽ không được chỉ định nhổ.

Chính vì vậy, việc nhổ răng khôn cần có sự chỉ định của nha sĩ, bạn tuyệt đối không tự ý chẩn đoán và tiến hành nhổ răng khôn theo sự hiểu biết của mình.

2. Nhổ răng khôn có nguy hiểm không?

Một số người không muốn nhổ răng khôn vì sợ động chạm dây thần kinh, nguy hiểm tới tính mạng. Vậy sự thật như thế nào?

Theo GS.TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc BV Răng Hàm Mặt Trung ương, việc xử lý răng khôn không phải đơn giản vì vị trí của nó mọc là nơi đi qua của nhiều dây thần kinh hàm mặt, khi nhổ không cẩn thận có thể ảnh hưởng các dây thần kinh này. Nếu nhổ răng khôn ở cơ sở vệ sinh kém có thể bị nhiễm trùng, có thể gặp phải là biến chứng nhiễm trùng hậu phẫu khi nhổ răng.

nho-rang-khon-nen-hay-khong-nen-voh

Nhổ răng khôn không đúng kỹ thuật có thể gây biến chứng nguy hiểm (Nguồn: Internet)

Do đó, để tránh biến chứng nguy hiểm, nếu nằm trong độ tuổi mọc răng khôn bạn nên đi khám răng để bác sĩ xem xét, ước lượng vị trí răng sẽ mọc, từ đó có thể xử lý bằng cách gắp bỏ mầm răng nếu tiên đoán răng sẽ mọc lệch.

Xử lý sớm như thế vừa không gây đau đớn, lại tránh được các tai biến xảy ra, vì lúc này răng khôn chưa có chân răng. Trường hợp răng đã mọc lên và có dấu hiệu mọc lệch, nhiễm khuẩn, thì việc nhổ bỏ không thể tránh khỏi, nhưng lúc đó phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều. Tốt nhất bạn phải tới nha sĩ có uy tín để kiểm tra.

3. Những lưu ý khi nhổ răng khôn

  • Nhổ răng có thể tiến hành vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên tốt nhất nên nhổ vào đầu giờ sáng sau khi ăn no hoặc đầu giờ chiều để tiện theo dõi sự chảy máu sau nhổ.
  • Bữa tối trước ngày nhổ răng bạn nên ngủ sớm và tránh dùng đồ uống có cồn.
  • Trước khi nhổ răng bạn nên uống vài ly sữa đậu nành vì chất Lecithin trong đậu nành sẽ góp phần hạn chế chảy máu và mau lành vết thương.
  • Sau nhổ răng, nếu có thể nên uống một cốc nước ép dâu tây vì trong đó có hoạt chất trợ lực cho thuốc giảm đau tác dụng tương tự Aspirin. Sau đó nên tiếp tục uống vài ly sữa đậu nành. Sữa chua cũng giúp tăng tác động của thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn nhờ acid obacillus, tuy nhiên không nên ăn quá lạnh.
  • Ngoài ra, bạn nên ăn nhiều hoa quả tươi để bổ sung các vitamin sẽ giúp tăng cường sức đề kháng và mau chóng hồi phục sau nhổ răng.
  • Trong vài ngày đầu sau nhổ răng, nên ăn đồ mềm và dễ tiêu hóa như cháo, súp...để xương hàm không phải làm việc nhiều. Tránh ăn đồ ngọt, chua, cay, đồ uống có ga, cồn và các chất kích thích khác.

Với những thông tin trên đây hy vọng sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc có nên nhổ răng khôn hay không, đồng thời biết cách chăm sóc sức khỏe nếu được chỉ định nhổ răng khôn.