Chờ...

Sán lá gan là gì, nguy hiểm như thế nào?

(VOH) - Ăn thực phẩm chứa sán hoặc uống nước chưa đun sôi, bạn có nguy cơ bị nhiễm sán lá gan rất cao. Tìm hiểu đầy đủ về căn bệnh này, sẽ giúp bạn nhận biết và phòng ngừa tốt nhất.

1. Sán lá gan là gì?

Sán lá gan tên khoa học là Fasciola, là một chi trematoda gồm các loài động vật ký sinh. Nhiễm sán lá gan là một bệnh ký sinh trùng mạn tính ở đường mật.

Sán lá gan có 2 loại là:

  • Sán lá gan nhỏ: có 3 loại là Clonorchis sinensis, Opisthorchis viverrini và Opisthorchis felineus.
  • Sán lá gan lớn: có 2 loại là Fasciola hepatica và Fasciola gigantica.

san-la-gan-la-gi-nguy-hiem-nhu-the-nao-voh-1

Sán lá gan có hình dạng giống chiếc lá (Nguồn: Internet)

Sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ đều có hình chiếc lá, thân dẹt, bờ mỏng. Kích thước khác nhau tùy loài. Cơ thể sán đều là lưỡng giới, vừa có tính hoàn vừa có buồng trứng trên một cơ thể sán.

2. Nguyên nhân con người bị nhiễm sán lá gan

san-la-gan-la-gi-nguy-hiem-nhu-the-nao-voh-2

Ăn gan động vật có thể bị nhiễm sán lá gan (Nguồn: Internet)

Sán lá gan lây nhiễm cho cả cừu và các loại gia súc. Trong thực tế, con người bị nhiễm sán do vô tình tiêu thụ thực vật tươi sống và uống nước chưa được đun sôi.

Bạn có thể bị nhiễm sán lá gan thông qua việc ăn gan cừu, dê hoặc gia súc. Tuy nhiên, con đường lây nhiễm này rất hiếm, đường lây truyền chủ yếu thông qua việc tiêu thụ thực vật như rau cải, rau diếp cá nước, bạc hà, mùi tây, húng cây, húng quế, rau ngổ…

Ngoài ra, uống nước chưa đun sôi mà trong nước có ấu trùng sán lá gan cũng vô tình bị nhiễm sán lá gan.

san-la-gan-la-gi-nguy-hiem-nhu-the-nao-voh-3

Nguy cơ nhiễm sán lá gan từ các thực phẩm ăn sống (Nguồn: Internet)

3. Triệu chứng khi bị nhiễm sán lá gan

Khi bị nhiễm sán lá gan bạn sẽ có những triệu chứng sau đây:

  • Đau bụng bên phải ở phía trên.
  • Sốt (không liên tục).
  • Gan sưng to, có thể đau hoặc không đau.
  • Khó chịu (một cảm giác chung của tình trạng không khỏe).
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân.
  • Da tái xanh.

Phát ban (nổi mề đay) xuất hiện trong khoảng 20% trường hợp. Các triệu chứng khác như chóng mặt và đổ mồ hôi cũng có thể xảy ra khi bị nhiễm bệnh sán lá gan, điều này chủ yếu gặp ở trẻ. Thở khò khè có thể xảy ra khi sán cư trú ở các cơ quan khác.

Người bị nhiễm trùng do ăn gan sống của động vật bị nhiễm bệnh có thể bị đau họng nặng và sưng thanh quản. Những người bị viêm ống mật do sán di chuyển vào đường mật có thể gặp triệu chứng đau bụng nghiêm trọng cùng với sốt dai dẳng và vàng da.

Người bị bệnh viêm tụy do sán di chuyển đến tụy có thể gặp phải các triệu chứng nặng hơn như đau bụng nặng, sốt, buồn nôn và nôn mửa, điều này chủ yếu xảy ra ở trẻ em.

4. Sán lá gan có nguy hiểm không?

Khi vào ổ bụng rồi di chuyển đến gan, ấu trùng đục thủng bao gan chui vào nhu mô gan để sinh trưởng và phát triển ở đấy, chúng tiết ra các các chất độc phá hủy nhu mô gan gây áp xe gan.

san-la-gan-la-gi-nguy-hiem-nhu-the-nao-voh-4

Sán lá gan gây áp xe gan (Nguồn: Internet)

Sau một thời gian từ 2 - 3 tháng phát triển ở nhu mô gan, sán trưởng thành có thể chui vào đường mật tiếp tục phát triển và đẻ trứng ở đấy và suốt trong thời gian dài (khoảng 10 năm) nếu không được điều trị sẽ dẫn đến ung thư đường mật.

Ngoài ra có một số rất ít trường hợp ấu trùng di chuyển lạc chỗ, chúng không đến gan mà đến một số cơ quan khác (da, cơ, vào khớp, vào vú, thành dạ dày, đại tràng…) và gây bệnh ở đó.

Như vậy, nhiễm sán lá gan vô cùng nguy hiểm. Do đó, bạn cần phải nhận biết sớm các triệu chứng nhiễm sán lá gan để kịp thời chẩn đoán và xử lý.

5. Điều trị sán lá gan bằng cách nào?

Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sán lá gan thì bạn cần đến các cơ sở y tế thăm khám để được bác sĩ xét nghiệm chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị. Bệnh sán lá gan cần được điều trị càng sớm càng tốt để tránh xảy ra các biến chứng làm tổn hại đến gan và các cơ quan khác.

Hiện nay, đã có thuốc điều trị đặc hiệu đối với căn bệnh này. Bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng thuốc diệt giun để tiêu diệt giun sán. Lưu ý, thuốc diệt giun cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa, bạn không nên tự ý mua thuốc để điều trị.

Trong trường hợp điều trị nội khoa không khỏi, sán lá gan đã gây nhiều tổn thương cho gan thì cần phải cắt bỏ một phần gan bị hư hại.

6. Phòng bệnh sán lá gan

san-la-gan-la-gi-nguy-hiem-nhu-the-nao-voh-5

Ăn chín, uống sôi để phòng ngừa nhiễm sán lá gan (Nguồn: Internet)

Từ những nguyên nhân gây bệnh kể trên, bạn có thể phòng ngừa nhiễm sán lá gan bằng cách:

  • Thực hiện ăn chín, uống sôi: đặc biệt không ăn các loại cá, ốc khi chưa được nấu chín kĩ dưới mọi hình thức, hạn chế ăn các loại rau sống mọc dưới nước. Để đảm bảo an toàn, khi ăn rau sống bạn cần rửa sạch và ngâm với nước muối loãng trước khi ăn.
  • Thực hiện rửa tay trước khi ăn, khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với phân, rác thải...
  • Quản lý phân người và phân động vật, không dùng phân tươi để bón rau.
  • Sử dụng nước sạch để ăn uống.
  • Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.

Tóm lại: Bệnh sán lá gan là một bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa, bệnh có thể gây nên các biến chứng nặng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Nếu nghi ngờ nhiễm bệnh, người bệnh phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời.