Viêm túi mật: Nguyên nhân, biểu hiện, biến chứng và cách điều trị

(VOH) - Mật đóng vai trò khá quan trọng trong việc tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là chất béo. Vậy nếu bị viêm túi mật thì chức năng này có còn hoạt động không và có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không?

1. Viêm túi mật là gì?

Túi mật là cơ quan tuy nhỏ nhưng có vai trò quan trọng trong cơ thể. Túi mật nằm dưới gan, đảm nhận chức năng giúp tiêu hóa các chất béo và các vitamin tan trong chất béo như A, D, K, E và caroten.

Viêm túi mật là hiện tượng nhiễm trùng túi mật, có thể diễn ra đột ngột (viêm túi mật cấp) hay tái phát nhiều lần (viêm túi mật mạn).

viem-tui-mat-nguyen-nhan-bieu-hien-bien-chung-va-cach-dieu-tri-voh-1

Túi mật bị viêm sẽ làm suy giảm chức năng hoạt động tiêu hóa (Nguồn: Internet)

Viêm túi mật nếu không được xử lý kịp thời sẽ đưa đến những biến chứng nguy hiểm cho con người. Viêm túi mật cấp tính hay mãn tính đều nguy hiểm, trong đó viêm túi mật cấp tính được xem là một cấp cứu ngoại khoa và cần được xử lý càng sớm càng tốt.

2. Dấu hiệu viêm túi mật là gì?

Viêm túi mật sẽ gây đau vùng bụng bên phải (vị trí của túi mật) và gây ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Các triệu chứng khi bị viêm túi mật bao gồm:

  • Đau và quặn thắt ở vùng hạ sườn phải.
  • Đau lan lên ngực, lưng hay vai phải.
  • Đau hơn khi hít vào, di chuyển hoặc khi đè lên vùng bên phải của phần bụng trên.
  • Ợ hơi, buồn nôn và thường nôn mửa sau bữa ăn chứa nhiều chất béo.
  • Vàng da và vàng mắt.
  • Hạ thân nhiệt.
  • Phân có màu nhạt.
  • Sốt và ớn lạnh xuất hiện sau các cơn đau khoảng từ 6 – 12 giờ, đôi khi sớm hơn.

Để chắc chắn hơn, người bệnh sẽ cần xét nghiệm máu, siêu âm gan mật để chẩn đoán. Khi bị viêm túi mật, xét nghiệm máu bạch cầu tăng, bilirubin tăng, siêu âm gan mật sẽ thấy túi mật to.

3. Vì sao bị viêm túi mật?

Sỏi túi mật là nguyên nhân chính gây viêm túi mật. Viêm túi mật do sỏi chiếm đa số (khoảng trên 90%). Khi sỏi di chuyển, cọ xát làm tổn thương thành túi mật hoặc gây tắc nghẽn các ống dẫn mật, khiến dịch mật bị ứ lại trong túi mật hoặc làm cho các hoạt chất hoặc vi khuẩn có trong dịch mật bị tích tụ và làm túi mật bị viêm.

viem-tui-mat-nguyen-nhan-bieu-hien-bien-chung-va-cach-dieu-tri-voh-2

Sỏi túi mật là nguyên nhân chính gây viêm túi mật (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, bị viêm túi mật không có nghĩa là bạn bị sỏi mật. Viêm túi mật còn có thể do rối loạn chức năng của túi mật gây sản sinh hoặc dự trữ quá nhiều dịch mật, khi đó rất dễ gây nhiễm trùng.

Ngoài ra, chế độ ăn giàu chất béo sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm túi mật.

4. Bệnh viêm túi mật có nguy hiểm không?

Viêm túi mật có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm nếu không kịp thời điều trị. Túi mật bị viêm do sự tích tụ mật, có thể có nguy cơ thủng túi mật. Viêm túi mật cấp có thể chưa gây thủng túi mật nhưng làm cho túi mật căng phồng, thành túi mật giãn nở, yếu và gây thấm mật vào ổ bụng gây viêm phúc mạc mật.

Viêm phúc mạc mật là một biến chứng rất nguy hiểm có thể bị sốc nhiễm khuẩn, tụt huyết áp, tụy tim mạch, tử vong.

Thủng túi mật có thể suy tuần hoàn, chảy máu nội tạng, có lỗ rò vào đường tiêu hóa hoặc viêm phúc mạc rất nguy hiểm cho tính mạng. Viêm túi mật cũng có thể gây viêm mủ, áp xe đường dẫn mật.

5. Cách điều trị viêm túi mật

Bệnh viêm túi mật có thể được điều trị bằng 2 phương pháp sau:

5.1 Điều trị nội khoa

Người bệnh nghỉ ngơi, truyền dịch để nuôi dưỡng và cân bằng nước điện giải. Dùng các thuốc giảm đau, giãn cơ trơn,…Tùy theo tình trạng cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh phù hợp.

5.2 Điều trị ngoại khoa

Bác sĩ có thể chỉ định mổ cấp cứu trong trường hợp không đáp ứng với điều trị nội khoa mà tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng hoặc có nguy cơ biến chứng viêm túi mật hoại tử, thấm mật phúc mạc và viêm phúc mạc mật.

Để chữa viêm túi mật hiệu quả bạn cần thăm khám và tuân theo những chỉ định của bác sĩ.

6. Viêm túi mật nên ăn gì?

Để điều trị viêm túi mật hiệu quả cũng như tránh tình trạng viêm túi mật tái phát thì bạn nên chú ý đến chế độ ăn như sau:

  • Chế độ ăn chỉ nên có glucid như nước đường, nước quả, nước rau, cho thêm bột ngũ cốc, khoai nghiền.
  • Nên ăn nhạt, nhiều chất xơ để phòng chống táo bón.
  • Nếu viêm túi mật mãn tính có kèm chứng rối loạn tiêu hóa thì chỉ nên ăn thịt một lần/ngày. Chọn các loại thịt trắng, thịt nạc và không có mỡ.
  • Đạm thực vật (đậu, đỗ) nên ăn dưới dạng nghiền nát, ninh nhừ. Nên dùng nhiều các loại thức ăn giàu glucid vì dễ tiêu hóa, không ảnh hưởng xấu đến mật.

viem-tui-mat-nguyen-nhan-bieu-hien-bien-chung-va-cach-dieu-tri-voh-3

Người bị viêm túi mật nên tăng cường rau củ và hạn chế chất béo (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, bạn cũng cần kiêng một số thực phẩm như:

  • Giảm bớt chất béo trong chế độ ăn và cả chất protid vì chúng làm cho túi mật tăng co bóp.
  • Tránh ăn đồ chiên, chế biến sẵn hoặc thức ăn nhanh vì chúng gây khó tiêu hóa.
  • Không dùng socola, cacao, các thức ăn có trộn thêm trứng và bột như bánh ngọt.

Ngoài chế độ ăn uống hợp lý, người bị viêm túi mật nên luyện tập thể thao mỗi ngày để tăng cường hệ miễn dịch cũng như giúp đường mật lưu thông tốt hơn.