Chờ...

Sáng 29/3: Hơn 3.400 ca COVID-19 nặng đang điều trị

(VOH) - Bộ Y tế cho biết, trung bình số ca COVID-19 mắc mới 7 ngày qua giảm còn 109.424 ca/ngày; Hơn 5,47 triệu người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi bệnh.

Còn 3.401 F0 nặng đang điều trị; Bộ Y tế hướng dẫn cách mẹ là F0 điều trị tại nhà cho con bú...

Số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục đà giảm mạnh

Theo thống kê của Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 cho biết ngày 28/3 ghi nhận 83.376 ca mắc COVID-19 mới, giảm 8.453 ca so với ngày trước đó tại 62 tỉnh, thành phố (trong đó có 55.010 ca trong cộng đồng); Có 28 tỉnh, thành ghi nhận từ 1.000 – hơn 9.300 ca. Hà Nội vẫn nhiều nhất, tuy nhiên số ca mắc mới trong ngày của Hà Nội trong thời gian gần đây liên tục giảm.

Sáng 29/3: Hơn 3.400 ca COVID-19 nặng đang điều trị 1

Bộ Y tế cho biết, trung bình số ca COVID-19 mắc mới trong nước ghi nhận 7 ngày qua giảm xuống còn 109.424 ca/ngày; Đến nay hơn 5,47 triệu người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi;

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 109.424 ca/ngày

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.274.849 ca mắc COVID-19, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 93.891 ca nhiễm).Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.267.135 ca, trong đó có 5.471.891 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.449.594), TP. Hồ Chí Minh (591.943), Nghệ An (390.924), Bình Dương (373.508), Hải Dương (337.425).

Hơn 5,47 triệu người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi

Ngày 27/3, tiếp tục ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh là 122.730 ca ( nhiều hơn số mắc mới khoảng gần 40.000 ca), nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 5.474.708 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.401 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 2.696 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 318 ca; Thở máy không xâm lấn: 95 ca; Thở máy xâm lấn: 287 ca; ECMO: 5 ca

Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 58 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.358 ca, chiếm tỷ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19

Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 205.216.774 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 188.071.414 liều: Mũi 1 là 71.211.148 liều; Mũi 2 là 67.996.992 liều; Mũi 3 là 1.502.202 liều; Mũi bổ sung là 14.822.958 liều; Mũi nhắc lại là 32.538.114 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.145.360 liều: Mũi 1 là 8.790.821 liều; Mũi 2 là 8.354.539 liều.

Mẹ là F0 điều trị tại nhà cho con bú thế nào?

Theo hướng dẫn chăm sóc, quản lý tại nhà đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc COVID-19, trong trường hợp mẹ và trẻ đều xác định mắc COVID-19, mẹ có thể duy trì việc cho trẻ bú mẹ.

Nếu trẻ ngạt mũi, khó bú, mẹ cần vệ sinh mũi cho trẻ trước khi bú. Trẻ không bú được, vắt sữa mẹ cho trẻ ăn bằng cốc và thìa.

Nếu chỉ có bà mẹ được xác định mắc COVID-19: Tư vấn cho bà mẹ và gia đình cân nhắc giữa lợi ích của việc cho trẻ bú mẹ và nguy cơ trẻ sơ sinh có thể mắc COVID-19.

Trường hợp bà mẹ quyết định tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ: Rửa tay thường quy bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh trước khi cho trẻ bú và đeo khẩu trang mỗi khi tiếp xúc gần với trẻ;

Vệ sinh bầu vú 1 lần/ngày khi vệ sinh thân thể, không cần vệ sinh trước mỗi lần cho bú; Nếu bà mẹ ho, hắt hơi làm chất tiết bắn vào bầu vú, vệ sinh vú bằng nước sạch và xà phòng sau đó lau khô;

Nếu trẻ không bú được cần hướng dẫn bà mẹ vắt sữa bằng tay (hoặc bằng dụng cụ) và cho trẻ ăn bằng cốc và thìa; Rửa tay thường quy bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh trước khi vắt sữa; Đeo khẩu trang trong quá trình vắt sữa và cho trẻ ăn; Vệ sinh dụng cụ vắt sữa, máy hút sữa và các dụng cụ cho trẻ ăn như cốc, thìa (tốt nhất tiệt trùng bằng cách hấp hoặc luộc);

Trường hợp sức khỏe bà mẹ tiến triển nặng, không thể tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ: Sử dụng sữa thanh trùng từ ngân hàng sữa mẹ (nếu có) hoặc nuôi dưỡng trẻ theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Hỗ trợ bà mẹ cho con bú ngay khi sức khỏe ổn định.

Rà soát, lập danh sách trẻ đang đi học từ lớp 1- 6 thuộc độ tuổi từ 5- dưới 12 tuổi để tiêm vaccine phòng COVID-19

Để sẵn sàng chuẩn bị triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi vào đầu tháng 4/2022, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc độ tuổi từ 5- dưới 12 tuổi.

Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học Sở Y tế phối hợp với chính quyền địa phương lập danh sách xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng để có thể triển khai ngay khi được phân bổ vaccine. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với những nơi tổ chức học tập trung tại trường).

Bộ Y tế cũng đề nghị cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký Phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu ban hành; điểm tiêm chủng thực hiện khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn và theo dõi, chăm sóc sau tiêm theo quy định.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 29/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 482.772.722 ca, trong đó có 6.150.624 người tử vong.

Các nước cũng ghi nhận trên 417 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 59 triệu ca và trên 60.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 28/3, thế giới có 74 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới.

Trong 1 ngày qua, Đức là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 214.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 330 ca.

Theo thống kê của trang worldometers.info, đến hết ngày 28/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng số ca bệnh trên 26 triệu trường hợp mắc COVID-19 và 399.482 ca tử vong.