Sáng mãi lửa nghề dù trong nghịch cảnh - Bài 1: Đã xông pha thì không ngại khó!

(VOH) - Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, đội ngũ y bác sĩ nước ta vẫn đang gồng mình để giành giật sự sống cho từng bệnh nhân.

Hơn lúc nào hết, những người thầy thuốc xông pha ra tuyến đầu, đã nhiều tháng rồi họ cố gắng hết sức, dù mệt mỏi nhưng vì nhiệm vụ họ không lùi bước.

Ngọn lửa 20 - một bầu nhiệt huyết tuổi trẻ từ những hình ảnh rất thân thương giản dị, để lại trong ta ký ức về một nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm anh dũng hết lòng vì bệnh nhân, thì cho đến hôm nay, họ - những chiến sĩ áo trắng – đã lao vào một trận chiến chống dịch giữa thời bình.

“Chống dịch như chống giặc”, quả thật giữa muôn vàn khó khăn với một sự khốc liệt đến thế, nguy nan đến thế, tang thương đến thế nhưng gạt bỏ tất cả, vượt lên trên hết là tình yêu nghề, yêu bệnh nhân đã giúp họ mạnh mẽ can trường đến dường nào! Bút mực không thể lột tả hết những mất mát, hy sinh thậm chí cả những góc khuất của niềm riêng, khi tất cả đều hội tụ trên cùng chiến tuyến đối diện với kẻ thù vô hình, biến chủng khó lường.

sang-mai-lua-nghe-du-trong-nghich-canh-bai-1-da-xong-pha-thi-khong-ngai-kho-voh.com.vn-anh1
Chữa trị bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế quản lý ở quận Tân Phú, TPHCM. (Ảnh: SGGP)

Khi vượt hàng ngàn cây số đến với bệnh nhân tại Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19, do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách, đóng tại Bệnh viện Dã chiến 16 - Quận 7, bác sĩ Ngô Đức Hùng - Khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đã nếm trải đầy đủ những cung bậc cảm xúc với vai trò người thầy thuốc: "Chứng kiến những bệnh nhân nặng quá nhiều và áp lực công việc của nhân viên y tế nhiều lúc chúng tôi ngỡ không vượt qua được. Cảm giác mệt mỏi và nhiều khi mặc cảm tội lỗi tại sao mình không cứu được bệnh nhân.

Rất nhiều nhân viên y tế bị mất ngủ phải dùng thuốc ngủ để uống, rơi vào stress rất nhiều, thậm chí phải nhờ đồng nghiệp chuyên khoa tâm thần hỗ trợ chúng tôi trong giai đoạn đầu tiên. Luôn luôn bị ám ảnh, khi về đến nơi nghỉ, cảm giác lúc nào cũng lâng lâng như trên mây, nằm xuống chợp mắt là nghe tiếng máy thở tít tít".

Thật vậy, với những chiến sĩ áo trắng, xông pha vào hỗ trợ thành phố thân yêu này vượt đau thương của cơn đại dịch, sát cánh kề vai cùng bệnh nhân, đôi khi những khoảng lặng trong tâm hồn để lại vết sẹo khó phai mờ.

15 năm làm hồi sức cấp cứu, đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh vì bệnh tật bệnh nhân phải lìa xa cuộc đời nhưng lần này, sự khốc liệt đến tàn nhẫn của dịch bệnh đã khiến bác sĩ Hùng thốt lên rằng “Những gì chứng kiến đủ đau thương cho cả đời người”: "Rõ ràng áp lực công việc khiến họ rất mệt mỏi. Tôi rất hiểu điều đó vì tôi cũng là người đi chống dịch rất nhiều. Nhưng quả là trong làn sóng thứ 4 của dịch này là làn sóng dữ dội nhất mà tôi chứng kiến".

Công tác tại trung tâm hồi sức bệnh nhân Covid-19 là một áp lực rất lớn cho đội ngũ thầy thuốc, nhất là khi trực tại khu bệnh nặng. Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Việt Đức, đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 13 tọa lạc tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh là tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch với quy mô 500 giường bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh có mặt tại Trung tâm này từ đầu tháng 8/2021, vào đây chứng kiến sự tàn khốc của dịch bệnh đe dọa trực tiếp tới mạng sống người bệnh, vị bác sĩ trẻ ấy phải luôn căng mình sẵn sàng 24/24 trong những đêm trực vì chỉ sợ một sơ sẩy nhỏ cũng làm vuột mất bệnh nhân: "Khu HFNC là khu bệnh nhân chuyển nặng nên diễn biến bệnh rất nhanh. Tất cả bệnh nhân này đều có nguy cơ diễn biến nặng bất thình lình nên chúng tôi tất cả đều phải trong tâm thế sẵn sàng".

Bên trong các Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19, chưa bao giờ ranh giới giữa sự sống và cái chết lại cận kề đến như vậy. Chỉ trong tích tắc, sự sống có thể được hồi sinh và cũng chỉ tích tắc, bệnh nhân đành buông tay. Chưa bao giờ ngoài sự nỗ lực có thể nói vượt lên trên cả sự chịu đựng của một con người, các bác sĩ phải đối diện với cuộc đấu tranh dằn xé đến mức ngột ngạt bế tắc trong tinh thần.

Tiến sĩ, Bác sĩ  Lưu Quang Thùy – Phó Giám đốc Trung tâm Gây mê hồi sức Bệnh viện Việt Đức đang trực tiếp tham gia công tác tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 tại TPHCM chia sẻ, tính đến nay dù đã nếm trải đủ các cung bậc cảm xúc trong đó có cả sự chịu đựng hơn cả sức người, tuy nhiên một điều tự hào là ai nấy đều muốn bám trụ không nỡ rời xa: "Đến giờ phút này gần 600 nhân viên toàn những người xung phong, chúng tôi không ép ai đi cả. Chủ trương của Đảng ủy, Ban giám đốc là xung phong vào miền Nam chống dịch, thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng hết lòng vì người bệnh, chấp nhận vào những vùng nguy hiểm, cùng gánh vác, chia lửa cùng đồng nghiệp của mình".

Đã có những mất mát, đau thương và cả những niềm riêng trong sự khốc liệt của đại dịch. Mỗi người một vị trí, khi xác định đã xông pha tuyến đầu thì nhiệm vụ nào với y bác sĩ cũng phải cố gắng hoàn thành trọn vẹn. Thật xót xa với một nhiệm vụ thật không dễ dàng chút nào khi chính bác sĩ ngoài trách nhiệm chữa bệnh cứu người thì nay lại đối mặt với xúc cảm khó tả của vòng sinh ly tử biệt. Chính bác sĩ lại phải điện thoại thông báo cho người nhà bệnh nhân, áp lực tâm lý luôn nặng trĩu.

Câu chuyện trải lòng của bác sĩ Nguyễn Thanh Huy, Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 Bệnh viện Trung ương Huế tại TPHCM : "Chúng tôi rất chạnh lòng, phải dùng từ là rất chạnh lòng… bởi vì hằng ngày khi có bệnh nhân tử vong mà tử vong với dịch bệnh này không có người thân bên cạnh. Tâm trạng chúng tôi lúc đó rất khó diễn tả, cứ nghĩ đó là người thân của mình rồi không cầm được nước mắt.

Nói chung anh em cứ lặng lẽ thực hiện công việc của mình một cách tốt nhất. Dù rất buồn bã, trĩu nặng ưu tư nhưng anh em không ai muốn tạo ra không khí của sự chùn bước. Không ai muốn tạo ra không khí quá nặng nề làm giảm sút ý chí. Ai cũng có nỗi buồn, nhưng cố nén để hoàn thành nhiệm vụ, không để ảnh hưởng đến bối cảnh làm việc chung của mọi người".

Anh em y tế đi đến vùng đất xa xôi, khi ra đi xác định tinh thần xông pha, họ lao vào cùng thành phố chống dịch, xem người dân thành phố nghĩa tình này là người thân của mình, chấp nhận khó khăn xa gia đình, xa người thân thậm chí có những hoàn cảnh “nghĩa tử là nghĩa tận” họ vẫn không thể về được khi người thân ruột thịt mất đi.

Làm việc tại các trung tâm hồi sức Covid-19 quả là một áp lực không chỉ công việc mà còn là áp lực tâm lý đối với các y bác sĩ. Tuy vậy, đã xác định tinh thần xông pha thì không ngại khó. Đội ngũ y bác sĩ đến từ Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai hay Bệnh viện Trung ương Huế khi vào thành phố hỗ trợ đồng nghiệp chống dịch đã luôn xác định được vai trò, trách nhiệm của mình.

Họ đã vượt khó khăn, ngày đêm bám trụ tại nơi mà ranh giới giữa sống chết vô cùng mong manh. Tất cả luôn nỗ lực từng khoảnh khắc để giành sự sống, hồi sinh từng nhịp thở. Với họ, vượt lên trên mọi khó khăn, đó là tình yêu nghề luôn đượm cháy!