Tiêu điểm: Nhân Humanity

Sảng rượu nguy hiểm như thế nào?

(VOH) - Những người nghiện rượu sau khi ngừng uống rượu một thời gian sẽ xuất hiện tình trạng sảng rượu. Vậy sảng rượu là gì, có nguy hiểm không?

1. Sảng rượu là gì?

Sảng rượu là một cấp cứu tâm thần tối khẩn cấp, phát triển trên nền một hội chứng cai rượu nặng. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, người bị sảng rượu có nguy cơ tử vong cao (khoảng 22 – 33%).

Sảng rượu xuất hiện ở những bệnh nhân nghiện rượu sau khi đã ngừng uống rượu một thời gian.

sang-ruou-nguy-hiem-nhu-the-nao-voh

Sảng rượu thường gặp ở những người đang cai nghiện rượu (Nguồn: Internet)

2. Biểu hiện của người bị sảng rượu

Sảng rượu được chia làm 2 giai đoạn là giai đoạn khởi phát và toàn phát. Ở mỗi giai đoạn, người bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau. Cụ thể:

2.1 Giai đoạn khởi phát

Sảng rượu thường khởi phát đột ngột, trong khoảng thời gian từ một đến vài ngày sau khi người bệnh ngừng uống rượu. Bệnh nhân sảng rượu trong giai đoạn này thường có biểu hiện là:

  • Mất ngủ.
  • Run tay, chân.
  • Rối loạn thần kinh thực vật.
  • Bị chếnh choáng.

Sảng rượu luôn bắt đầu từ những cơn co giật kiểu động kinh. Vì vậy, bệnh nhân cai rượu gặp các cơn co giật kiểu động kinh thì phải đề phòng bệnh sảng rượu.

2.2 Giai đoạn toàn phát

Giai đoạn này thường xuất hiện sau khi cai rượu khoảng 3 – 5 ngày. Bệnh nhân có những triệu chứng sau đây:

  • Triệu chứng rối loạn ý thức: Người bệnh bị rối loạn định hướng, rối loạn thời gian, có trường hợp còn không biết bản thân mình là ai.
  • Bị chứng hoang tưởng: Bệnh nhân sẽ có các ảo giác, hoang tưởng bị hại. Triệu chứng này có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, chúng chi phối mọi hành động của người bệnh.
  • Tấn công người khác: Những người bệnh sảng rượu thường hay vùng chạy đột ngột, tấn công những kẻ thù vô hình,…hành động này có thể gây ra các tai nạn cho chính người bệnh và cả những người xung quanh.

Thông thường, các triệu chứng của bệnh sảng rượu sẽ giảm vào buổi sáng và tăng nhiều vào buổi tối.

3. Sảng rượu nguy hiểm như thế nào?

Khi người cai rượu lên cơn sảng, họ ú ớ la hét, vật vã dữ dội, gồng người lên,…nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Theo các bác sĩ, những bệnh nhân sảng rượu thường chạy, thậm chí nhảy từ trên cao xuống đất vì lúc đó họ không điều chỉnh được hành vi của bản thân. Nguy hiểm nhất là bệnh nhân xuất hiện tình trạng co giật, hạ đường máu, rối loạn điện giải,…nếu không điều trị kịp thời thì tỷ lệ tử vong cao.

Những bệnh nhân sảng rượu có nguy cơ bị rối loạn tâm thần cấp tính và nặng nề. Ngoài ra, người bệnh sảng rượu còn có thể gây nguy hiểm cho người khác (họ có thể tấn công, thậm chí giết những người xung quanh).

sang-ruou-nguy-hiem-nhu-the-nao-voh

Nên biết từ chối bia, rượu để tránh những tác hại khôn lường (Nguồn: Internet)

4. Điều trị sảng rượu bằng cách nào?

Bệnh nhân sảng rượu cần được điều trị tại phòng cấp cứu của khoa tâm thần, có bình oxy, máy hút và các thiết bị cấp cứu khác. Các bước tiến hành cấp cứu bao gồm:

  • Cố định bệnh nhân tại giường bằng 3 sợi dây to.
  • Cho bệnh nhân ngửi bông cồn hoặc cho uống rượu vang (50ml rượu 10 độ cồn mỗi lần uống, ngày 3 lần) nhằm giảm nhẹ các triệu chứng của sảng rượu.
  • Chế độ hộ lý cấp 1.
  • Thực hiện hút đờm và cho thở oxy nếu cần.
  • Thực hiện các xét nghiệm cần thiết, đặc biệt là đường máu.
  • Kê đơn thuốc cho bệnh nhân.

Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc chống loạn thần để điều trị hưng phấn và gây ngủ kéo dài 16 – 18 tiếng.

Mục tiêu cơ bản trong điều trị sảng rượu là duy trì hoạt động của tim, đề phòng giảm huyết áp, chống kích động vận động. Trong các trường hợp sảng rượu nặng cần phải tiến hành các phương pháp hồi sức và lọc máu.

Lời khuyên

Cai nghiện rượu là một quá trình cực kỳ khó, đòi hỏi người bệnh phải quyết tâm, kiên trì và có sự động viên của người thân cũng như sự hỗ trợ của các bác sĩ. Vì thế, bất cứ ai cũng đừng để mình rơi vào tình trạng nghiện rượu. Theo các chuyên gia y tế, không có tiêu chuẩn cho mức độ tiêu thụ cồn bao nhiêu là có hại. Do đó, mỗi người nên hạn chế hoặc nói không với bia rượu, chỉ uống khi cần thiết nhất.

Bình luận