Số tử vong vì COVID-19 tại TPHCM có xu hướng giảm từ sau 23/8

(VOH) - Chiều 10/9, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM họp báo cho biết số ca tử vong trong ngày giảm gần nửa so với trước khi siết chặt giãn cách.

Ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố cho biết số tử vong tại TPHCM đã giảm rất là đáng kể (từ 340 người của ngày 22/8, đến ngày 9/9 chỉ còn 195). Đó là con số mà kết quả phòng chống dịch của TPHCM đã có những chuyển biến hết sức tích cực. Số liệu từ ngành y tế TPHCM cho thấy, hiện các cơ sở đang điều trị 39.617 bệnh nhân, trong đó: có 2.664 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.783 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 254 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (195), Bình Dương (41), Tiền Giang (3), Đà Nẵng (3), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (2), Bình Thuận (1), An Giang (1), Kiên Giang (1), Cần Thơ (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Khánh Hòa (1), Nghệ An (1).  Ngoài ra bổ sung 21 ca tử vong từ trước tại: Bình Dương (14), Bình Thuận (4), Nghệ An (3).

Số tử vong tại TP.HCM có xu hướng giảm 1
Số tử vong tại TP.HCM có xu hướng giảm

Như vậy số ca tử vong được ghi nhận trong ngày 9/9 bằng 57.4% so với ngày 22/8. Ngày 9/9 cũng là ngày có số ca tử vong thấp nhất và cũng là lần đầu tiên số tử vong thấp hơn 200 trong 18 ngày qua.

Về số trường hợp mắc COVID-19 phải nhập viện điều trị cũng có sự chuyển biến, BS.CK2. Nguyễn Hoài Nam – Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ, hiện trung bình số ca COVID-19 nhập viện khoảng 3.500-4.000 mỗi ngày, đa số nhẹ, không triệu chứng, rất nhiều trường hợp F0 sau khi phát hiện được chăm sóc tại nhà.

Về công tác tiêm chủng, ông Nguyễn Hoài Nam cho hay, hiện nay Thành phố không phân biệt người có quốc tịch nước ngoài hay người dân trong nước, kế hoạch là tiêm cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên kể cả những người nước ngoài đang sinh sống trên địa bàn thành phố.

Về năng lực điều trị, thì hiện nay trung bình số ca nhập viện từ 3.500 đến 4.000 tuỳ theo ngày, tuy nhiên đa số các ca mắc mới có triệu chứng nhẹ, rất nhiều F0 được phát hiện chăm sóc tại nhà. Ông Nam cũng cho biết, đối với thành phố cũng như là các đơn vị trung ương hỗ trợ cho thành phố vẫn tiếp tục mở ra các bệnh viện, như là bệnh viện hồi sức 5G đặt tại Viện Y dược học cổ truyền Quân đội ở quận 6, và trong thời gian sắp tới tiếp tục mở các bệnh viện hồi sức nhằm đáp ứng cho công tác điều trị những ca bệnh nặng. Bên cạnh đó cũng có nhiều giải pháp để giúp cho công tác điều trị, đó là những gói thuốc A, thuốc B, thuốc C và những thuốc được Bộ Y tế cấp, cũng như là tài trợ để sử dụng cho những bệnh nhân chuyển nặng. “Trong giai đoạn hiện nay năng lực điều trị của chúng ta cũng tương đối đảm bảo, thứ nữa rõ ràng là số bệnh nhân chuyển nặng cũng như là chuyển viện giảm đi đáng kể",  ông Nam thông tin.

Trả lời về thông tin các quán ăn đến nay vẫn chưa thể hoạt động lại do thiếu nguyên liệu, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, Thành phố có khoảng 7.500 doanh nghiệp, hàng chục ngàn hộ kinh doanh cá thể kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, việc tiếp cận thông tin từ 1, 2 doanh nghiệp, một số cửa hàng để đánh giá đây là tình hình chung cho toàn bộ hệ thống là chưa chính xác. Người kinh doanh cũng sẽ phải tính toán, thứ nhất là 3 tại chỗ, cũng có một số khó khăn, thứ hai là cách thức tiếp cận nguồn nguyên liệu, trước đây họ có các nhà cung cấp thường xuyên, chỉ cần gọi điện thoại hàng hóa tới, còn bây giờ phải đặt hàng qua một đối tượng khác, các nhà cung cấp hiện nay chưa có giấy đi đường để có thể cung cấp được. Thêm nữa là khách hàng hiện nay không được trực tiếp ra đường, chỉ mua thông qua shipper, mà shipper chỉ hoạt động trong quận, huyện, có nghĩa là quán ăn này chỉ phục vụ trong phạm vi một quận, huyện. “Các hộ kinh doanh cũng có tính toán, khó có được số lượng khách hàng lớn như trước đây, dẫn tới việc họ sẽ cân nhắc có nên mở ngay lúc này hay không, còn nói rằng do thiếu nguyên liệu thì lý do này chưa chính xác”, ông Phương nói.

toàn cảnh họp báo
Toàn cảnh họp báo

Về vấn đề những người lao động ngoại tỉnh muốn quay về Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như việc di chuyển của những người dân Thành phố hiện đang bị kẹt ở các tỉnh;  người ở các tỉnh muốn vào Thành phố Hồ Chí Minh để chữa bệnh…Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng tham mưu Công an Thành phố cho rằng, nhu cầu này là rất lớn, việc mở cửa trở lại cùng với các dịch vụ thì Thành phố sẽ phải tính toán. Ông Hà cho biết, Công an Thành phố, Bộ Công an cũng đã triển khai ứng dụng VNEID, phần mềm app phục vụ khai báo y tế và di chuyển. Nếu trường hợp cập nhật đầy đủ được thông tin về tiêm ngừa vắc-xin, trường hợp F0, các thông tin đầy đủ về giấy đi đường thì app này sẽ giống như là một thẻ thông hành, thẻ xanh. “Công an Thành phố cũng đã báo cáo với Bộ Công an để phối hợp với Bộ Y tế, các cơ quan để cập nhật đầy đủ dữ liệu về tiêm ngừa vắc-xin, xét nghiệm, các trường hợp F0 khỏi bệnh", ông Hà thông tin thêm.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM chủ trì họp báo nhấn mạnh, chỉ còn vài ngày nữa bước vào thời điểm ngày 15/9, do vậy Bí thư Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các thành viên Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố sẽ gắn kết với từng địa bàn quận, huyện để thực hiện tốt nhất trách nhiệm trong từng công việc cụ thể. Từng quận, huyện phải kiểm tra, phúc tra, rà soát chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc mục tiêu đề ra. Không phải vì gần đến ngày 15/9 mà lơ là, buông lỏng, chủ quan, phải tiếp tục giữ vững các giải pháp để việc phòng chống dịch đạt hiệu quả tốt. Đồng thời lưu ý, không phải là TP Hồ Chí Minh chấm dứt hoàn toàn dịch Covid-19 trở về con số 0, mà là có sự kiểm soát tốt, ngăn ngừa lây lan, phòng ngừa tốt. Đảng bộ, chính quyền các cấp luôn vẫn lấy dân làm trung tâm, sức khỏe của dân, cuộc sống của dân là trọng tâm.