Sốt phát ban và những điều cần biết

(VOH) - Sốt phát ban là bệnh thường gặp ở trẻ em và cả người lớn. Nhận biết sớm và xử lý đúng cách thì sẽ hạn chế được rất nhiều các biến chứng. Vậy sốt phát ban là bệnh gì?

1. Sốt phát ban là gì?

Sốt phát ban (bệnh ban đỏ, ban đào) là một bệnh truyền nhiễm đặc trưng bởi triệu chứng sốt và phát ban trên da, có thể phẳng hoặc nổi lên. Bệnh thường gặp ở trẻ em và do virus human herpesvirus 6 hoặc đôi khi là human herpesvirus 7 gây ra.

Bệnh ban đỏ thường không nghiêm trọng, có thể được điều trị bằng cách nghỉ ngơi và dùng thuốc. Trong một số trường hợp hiếm hoi, ban đỏ có thể gây sốt cao, dẫn đến biến chứng. Có hai loại sốt phát ban, bao gồm sốt ban đỏ và ban đỏ.

1.1 Đường lây của sốt phát ban

Không giống như bệnh thủy đậu và các bệnh do virus, ban đào hiếm khi gây bùng phát toàn cộng đồng. Tuy nhiên, sự lây nhiễm của bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong năm. Ban đầu virus gây sốt phát ban lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp hoặc nước bọt của người bệnh.

sot-phat-ban-va-nhung-dieu-can-biet-voh-0
Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ bị sốt phát ban (Nguồn: Internet)

Với trẻ em, nhiễm trùng còn có thể lây lan khi một đứa trẻ bị ban đào nói chuyện, hắt hơi hoặc ho, làm bay các giọt nhỏ vào không khí mà người khác có thể hít vào. Các giọt này cũng có thể rơi xuống bề mặt, nếu những đứa trẻ khác chạm vào những bề mặt đó và sau đó là mũi hoặc miệng của chúng, chúng có thể bị nhiễm trùng.

Sốt phát ban có thể lây trong giai đoạn sốt, nhưng không lây vào thời điểm phát ban bùng phát.

1.2 Yếu tố nguy cơ của sốt phát ban

Sốt phát ban có thể gặp ở tất cả các đối tượng, tuy nhiên trẻ em là đối tượng dễ gặp nhất. Nguyên nhân là do:

  • Hệ miễn dịch của trẻ chưa toàn diện
  • Trẻ chưa tiêm phòng đủ các loại vắc xin chống lại các loại virus

Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốt phát ban và cách chăm sóc an toàn tại nhà

2. Các dấu hiệu sốt phát ban người lớn 

Thời gian ủ bệnh của sốt phát ban thường từ 7 - 10 ngày. Một số người chỉ phát triển một trường hợp là nổi ban đỏ rất nhẹ và không có dấu hiệu rõ ràng của bệnh tật, trong khi những người khác có đầy đủ các dấu hiệu và triệu chứng.

Những triệu chứng của bệnh bao gồm:

2.1 Sốt

Triệu chứng phổ biến của sốt phát ban là sốt cao trên 39 độ ngay khi nhiễm bệnh. Đối với sốt phát ban ở trẻ, các triệu chứng có thể kèm theo sốt là viêm họng, sổ mũi, ho. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sưng hạch bạch huyết ở phần cổ.

Sốt có thể kéo dài khoảng 3 – 5 ngày.

2.2 Phát ban

Trong phần lớn các trường hợp, phát ban có thể theo sau những cơn sốt. Phát ban bao gồm nhiều đốm hoặc mảng nhỏ màu hồng. Những đốm này thường phẳng, nhưng một số có thể nổi lên. Có thể có một vòng trắng xung quanh một số đốm.

sot-phat-ban-va-nhung-dieu-can-biet-voh-1
Phát ban là triệu chứng xuất hiện sau khi sốt (Nguồn: Internet)

Phát ban có thể lan rộng từ từ, bắt đầu từ vùng ngực, lưng, bụng tới cổ, cánh tay. Phát ban thường biến mất sau vài giờ hoặc vài ngày mà không gây ra bất kỳ khó chịu nào cho người bệnh.

2.3 Một số triệu chứng khác

Các dấu hiệu và triệu chứng khác của sốt phát ban có thể bao gồm:

  • Trẻ quấy khóc
  • Tiêu chảy nhẹ
  • Chán ăn
  • Sưng mí mắt

Tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức

  • Co giật
  • Sốt của trẻ trở nên cao hoặc tăng vọt nhanh chóng.

Xem thêm: Cách xử lý đúng khi trẻ bị sốt cao gây co giật, tránh những biến chứng đến não bộ

3. Phân biệt sốt phát ban với sởi và sốt xuất huyết

Có một số bệnh khác cũng có biểu hiện là sốt sau đó phát ban, phổ biến nhất là sởi, sốt xuất huyết. Bởi vậy khi xuất hiện những dấu hiệu này nên chú ý để phân biệt. Điểm giống nhau của ba bệnh này là:

  • Do virus gây ra.
  • Người bệnh sốt nhẹ hoặc sốt cao.
  • Xuất hiện cảm giác mệt mỏi.
  • Chán ăn…

Điểm khác biệt giữa sốt phát ban, bệnh sởi và sốt xuất huyết được biểu hiện như sau:

  Triệu chứng Tính nguy hiểm
Sốt phát ban

Nốt ban đỏ và sáng, ban mịn, ít sần sùi trên mặt da nhưng lại nổi đồng loạt khắp cơ thể.

Ít gây khó chịu cho người bệnh

Căng da mất ngay

Sau khi lặn thường không để lại sẹo hoặc vết thâm

Virus gây sốt phát ban là virus thông thường, bệnh lành tính và không nguy hiểm.
Sởi

Ban xuất hiện theo trình tự, bắt đầu ở sau tai, sau đó lan đến mặt, dần xuống ngực, bụng và nổi kín khắp toàn thân

Ban dạng sẩn, gồ lên mặt da, gây ngứa, khó chịu cho người bệnh

Khi lặn sẽ để lại những vết thâm

Có tính lây lan cao, ban đầu có thể lành tính nhưng nếu bệnh tiến triển đến giai đoạn biến chứng thì có thể đe dọa tính mạng.
Sốt xuất huyết

Ban dạng chấm đỏ hoặc bầm máu ở da, căng da không mất

Xuất huyết ở các vùng niêm mạc gây chảy máu chân răng, chảy máu cam, mắt đỏ, kèm theo đau bụng, nôn ói

Dễ lây lan thành dịch trên diện rộng, khó kiểm soát.

Ở thể bệnh nặng sẽ gây ra xuất huyết nặng hoặc có thể gây sốc.

4. Cách điều trị sốt phát ban 

Sốt phát ban thường lành tính và sẽ tự khỏi sau vài ngày. Bởi vậy, điều trị sốt phát ban chủ yếu là dùng thuốc hạ sốt, kết hợp các biện pháp chăm sóc.

4.1 Thuốc hạ sốt

Dùng thuốc hạ thuốc theo đơn của bác sĩ. Sốt cao kéo dài thường dễ gây biến chứng thần kinh, tim mạch. Trường hợp trẻ nhỏ bị sốt, cần hạ sốt cho trẻ đúng cách.

Có thể hạ thân nhiệt bằng cách chườm ấm bằng khăn nhúng nước ấm (nhiệt độ của nước khi nhúng khăn vào phải thấp hơn nhiệt độ của trẻ khoảng 2 độ). Vị trí nên chườm là trán, nách, bẹn.

Ngoài ra, nên mặc quần áo mỏng, cởi bớt áo, quần

Lưu ý: Không chườm nước đá hoặc nước lạnh với người đang bị sốt phát ban.

sot-phat-ban-va-nhung-dieu-can-biet-voh-2
Điều trị sốt phát ban thường sẽ tuân thủ theo sự kê đơn từ bác sĩ (Nguồn: Internet)

4.2 Chăm sóc người bị sốt phát ban

Các biện pháp chăm sóc tại nhà cho người bị sốt phát ban bao gồm:

  • Vệ sinh da thường xuyên: Có thể dùng nước ấm sạch để vệ sinh da nhằm tránh nhiễm khuẩn. Vệ sinh thân thể là việc cần làm nhưng cần tránh để người bệnh bị nhiễm lạnh.
  • Bổ sung nước và điện giải: Nên cho người bệnh uống nhiều nước để bù lượng nước bị mất do sốt hoặc tiêu chảy.
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Cần ăn đủ chất dinh dưỡng, thức ăn nhuyễn, lỏng dễ tiêu. Thức ăn cần tăng thêm cả về chất lượng lẫn số lượng.
  • Nghỉ ngơi: Bệnh nhân sốt phát ban rất dễ bị mất tập trung, do đó cần nghỉ ngơi để vừa giúp giảm mệt mỏi, vừa hạn chế bệnh lây lan.

Bên cạnh việc chăm sóc đúng cách, cần lưu ý một số điều sau đây để quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng:

  • Không để người bị sốt phát ban ở trong không gian kín và ẩm ướt
  • Không gãi vùng phát ban
  • Cẩn thận trong thời gian tắm. Khi bị ban đỏ, cơ thể suy nhược. Nếu bạn không cẩn thận trong việc tắm rửa, bạn có thể bị cúm hoặc các bệnh nghiêm trọng khác.
  • Không đến những nơi công cộng hoặc đông người.
  • Không tiếp xúc với chất tẩy rửa, sữa tắm, bụi, hóa chất và lông thú cưng để ngăn ngừa các biến chứng.
  • Không mặc quần áo chật hoặc quần áo làm từ vải có thể gây kích ứng da.
  • Không ăn trứng, nước lạnh, nước đá, kem hoặc thức ăn khó tiêu hóa.

Xem thêm: Đọc ngay 17 sai lầm thường gặp trong điều trị sốt ở trẻ em mà hầu như cha mẹ cũng gặp phải

5. Khi nào người bị sốt phát ban cần được chăm sóc y tế?

Trong quá trình chăm sóc cần chú ý những triệu chứng bất thường để kịp thời đưa người bệnh đến bệnh viện điều trị. Dưới đây là những triệu chứng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức:

  • Sốt cao trên 39 độ
  • Sốt và phát ban kéo dài hơn 7 ngày
  • Phát ban không chuyển biến tốt sau 3 ngày
  • Hệ miễn dịch bị tổn hại và từng tiếp xúc với người mắc bệnh sốt phát ban

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để hiểu rõ hơn về giải pháp tốt nhất cho bạn.

6. Bệnh sốt phát ban có nguy hiểm không?

Các biến chứng từ sốt phát ban rất hiếm xảy ra. Đại đa số người bệnh đều khỏe mạnh và hồi phục nhanh chóng, hoàn toàn. Đối với trẻ bị sốt phát ban, bệnh sẽ tự khỏi sau 5 – 7 ngày nếu như được:

  • Chăm sóc y tế đúng cách.
  • Có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
  • Giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ.
sot-phat-ban-va-nhung-dieu-can-biet-voh-3
Một số trường hợp sốt phát ban có thể gây viêm phổi hay viêm não (Nguồn: Internet)

Mặc dù sốt phát ban không gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên, đối với những người có hệ miễn dịch yếu, khi bị sốt phát ban tái phát thì bệnh sẽ nặng hơn và lâu bình phục hơn. Trường hợp này, người bệnh có thể bị biến chứng viêm phổi hay viêm não.

7. Cách phòng bệnh sốt phát ban

Hiện nay, chưa có vacxin phòng bệnh sốt phát ban, vì vậy hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh và thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh sốt phát ban.

Khi trong nhà có người bị sốt phát ban thì tất cả mọi người cần chú ý rửa tay kỹ thường xuyên, giữ gìn vệ sinh cá nhân để tránh lây lan bệnh.

Ngoài ra, ăn uống đủ chất, tập luyện, vận động cũng là cách để tăng cường sức đề kháng và phòng bệnh sốt phát ban.

Lưu ý rằng, người lớn chưa từng mắc bệnh sốt phát ban khi còn nhỏ có thể bị nhiễm bệnh sau này trong đời, mặc dù bệnh có xu hướng nhẹ ở người lớn khỏe mạnh. Tuy nhiên, người lớn bị nhiễm bệnh có thể truyền virus cho trẻ em.

Nhìn chung sốt phát ban là bệnh không nguy hiểm nhưng cũng cần được phát hiện và điều trị sớm. Đặc biệt, cùng với sốt phát ban, sốt siêu vi hay sốt xuất huyết cũng là những bệnh lý rất dễ xuất hiện vào các mùa trong năm. Dù có con nhỏ hay không, bạn cũng nên tìm hiểu rõ để có biện pháp phòng ngừa bệnh kịp thời.