Chờ...

Sốt xuất huyết ở trẻ em: Các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm

VOH - Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến nay, sốt xuất huyết ghi nhận trên cả nước là hơn 47.000 ca mắc, 11 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc giảm 59,9%, tử vong giảm 58 ca.

Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác khi bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt. Virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 loại tương ứng với 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Trẻ em mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện đa dạng khác nhau.

Sốt xuất huyết ở trẻ em: Các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm 1
Bệnh sốt xuất huyết khởi phát khá đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi - Ảnh minh họa

Giai đoạn sốt: Trẻ bị sốt cao đột ngột, liên tục. Trẻ nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc, trẻ lớn hơn thì đau đầu, cảm thấy chán ăn, buồn nôn, biểu hiện da sung huyết (những chấm xuất huyết dưới da), đau cơ khớp, nhức ở hai hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Giai đoạn nguy hiểm: Sau giai đoạn sốt, thường rơi vào khoảng ngày thứ 3-7 sau khi mắc bệnh. Trẻ vào giai đoạn này có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện dễ nhận thấy như vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít, tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp.

Đặc biệt, trẻ bị xuất huyết dưới da hoặc xuất hiện các mảng bầm tím, các nốt xuất huyết nằm rải rác hoặc tập trung ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn; xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu…

Giai đoạn phục hồi: Sau giai đoạn nguy hiểm khoảng 48-72 giờ, trẻ hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn, huyết áp ổn định hơn và tiểu nhiều hơn.