Chờ...

Sử dụng chất gây ảo giác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt

CANADA - Theo một nghiên cứu mới, việc sử dụng chất gây ảo giác có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt, tin từ New York Post.

Các nhà nghiên cứu Canada đã theo dõi hơn 9,2 triệu người tại tỉnh bang Ontario trong 13 năm và nhận thấy, những người phải nhập viện vì sử dụng chất gây ảo giác có nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt cao gấp 3,5 lần.

Bệnh tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần mãn tính và nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cách suy nghĩ, cảm nhận và hành vi của một người, thường được chẩn đoán từ cuối tuổi vị thành niên đến khoảng 30 tuổi.

roi loan tam than (1)

Bệnh tâm thần phân liệt, ảnh hưởng đến khoảng 1% người Mỹ, tác động đến cách suy nghĩ, cảm nhận và hành xử của một người. - Ảnh: stock.adobe.com

Nghiên cứu mới cho thấy, trong vòng 3 năm sau khi bệnh nhân nhập viện vì các chất gây ảo giác như psilocybin, lysergic acid diethylamide (LSD), ayahuasca và ecstasy, có 4% bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt, so với 0,15% dân số nói chung.

Những người phải nhập viện vì sử dụng chất gây ảo giác có nguy cơ được chẩn đoán tâm thần phân liệt cao hơn nhiều so với những người nhập viện vì rượu hoặc cần sa.

Các nhà nghiên cứu cho biết, chất gây ảo giác ngày càng phổ biến ở Bắc Mỹ do phục vụ mục đích giải trí và điều trị.

Theo khảo sát, có 9% người Mỹ trong độ tuổi 19-30 đã sử dụng chất gây ảo giác vào năm 2023, so với 5% năm 2017 và 3% năm 2012. Đối với nhóm từ 35-50 tuổi, có 4% người Mỹ đã thừa nhận sử dụng trong năm 2023, tăng từ 2% năm 2021 và chưa đến 1% vào các năm 2017 và 2012.

Giữa xu hướng gia tăng này, số lượt nhập viện hàng năm ở Ontario liên quan đến chất gây ảo giác đã tăng 86% từ năm 2013 đến 2021 sau khi duy trì ổn định từ năm 2008 đến 2012.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, những người có nguy cơ tiềm ẩn về rối loạn tâm thần hoặc tâm thần phân liệt có thể cần phải tránh xa các chất gây ảo giác.

Tiến sĩ Daniel Myran, nhà nghiên cứu về trách nhiệm xã hội tại Đại học Ottawa, Canada, cho biết, các thử nghiệm liệu pháp tâm lý với chất gây ảo giác thường có các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, như loại trừ những người có tiền sử tâm thần phân liệt và được giám sát chặt chẽ.

Tiến sĩ Myran cảnh báo rằng, phát hiện này là lời nhắc nhở về rủi ro tiềm ẩn khi sử dụng chất gây ảo giác bên ngoài các thử nghiệm lâm sàng.

Bình luận