Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Những tác dụng của bồ kết khiến bạn bất ngờ

(VOH) - Nhờ có tính tẩy nhẹ nên từ xa xưa bồ kết đã là nguyên liệu quý giá cho chị em tắm gội, chăm sóc tóc, nhưng có lẽ ít ai biết ngoài tác dụng của bồ kết, quả này còn là vị thuốc đáng giá.

Bồ kết là cây thân gỗ to, thẳng, vỏ nhẵn, gai to, phân nhánh dài 10-25cm. Quả đậu, mỏng, dài 10-12cm, rộng 1,5-2cm, dày lên ở nơi có hạt, quả khi chín màu vàng nâu, để càng lâu sẽ chuyển dần sang màu đen. Bồ kết có mùa hoa rơi vào tháng 5 đến tháng 7 và mùa quả từ tháng 8 đến tháng 10.

1. Tìm hiểu về bồ kết

Bồ kết có tên khoa học là Fructus Gleditschiae thuộc họ Vang – Caesalpiniaceae, còn được gọi với những tên khác là chùm kết, tạo giác, tạo giáp, trư nha tạo giác.

  • Tạo giác – Fructus Gleditschiae là quả bồ kết chín khô. Khi dùng tẩm nước cho mềm rồi sấy khô hoặc đốt thành than rồi tán thành bột nhưng phải bỏ hạt.

nhung-tac-dung-cua-bo-ket-khien-ban-bat-ngo-voh

Tạo giác – Fructus Gleditschiae là quả bồ kết chín khô (Nguồn: Internet)

  • Tạo giác tử - Semen Gleditschiae là hạt bồ kết lấy từ quả bồ kết đã được phơi hoặc sấy khô. Hạt bồ kết vị cay, tính ôn, giúp thông đại tiện, bí kết, chữa mụn nhọt.

nhung-tac-dung-cua-bo-ket-khien-ban-bat-ngo-voh

Tạo giác tử - Semen Gleditschiae là hạt bồ kết lấy từ quả bồ kết đã được phơi hoặc sấy khô (Nguồn: Internet)

  • Tạo thích, tạo giác thích – Spina Gleditschiae là gai bồ kết, được hái từ thân cây bồ kết sau đó đem phơi hoặc sấy khô. Gai bồ kết chứa các hoạt chất kháng khuẩn và nấm, có vị cay, tính ôn. Gai bồ kết giúp chữa ác sang, tiêu ung độc, làm thông sữa.

nhung-tac-dung-cua-bo-ket-khien-ban-bat-ngo-voh

Tạo thích, tạo giác thích – Spina Gleditschiae là gai bồ kết (Nguồn: Internet)

2. Tác dụng của bồ kết

2.1 Trị trúng phong, cấm khẩu

Bỏ hết hạt trong quả bồ kết, nướng cháy vỏ rồi nghiền thành bột, uống ngày 0,5-1gr còn nếu sắc uống thì dùng 5-10gr bồ kết đã bỏ hạt.

2.2 Trị méo miệng do trúng gió

Nướng giòn 10 quả bồ kết, tán mịn rồi đem trộn với giấm tạo thành hỗn hợp sền sệt.

Nếu miệng méo bên má trái thì đắp bồ kết bên má phải và ngược lại. Khi hỗn hợp khô thì bạn hòa thêm giấm tạo độ dẻo và đắp tiếp. Tuy nhiên, cách này chỉ công dụng với người mới bị bệnh.

2.3 Trị ho, co giật, kinh giản, đờm ngược lên cổ, miệng sùi đờm dãi, hen suyễn, khó thở do đờm

Dùng bột bồ kết đốt tồn tính và phèn phi lượng bằng nhau, trộn đều, hòa vào nước cho uống mỗi lần 0,5gr, ngày uống 3 - 6gr cho đến khi nôn đờm ra hoặc hạ đờm xuống được.

2.4 Trị sâu răng, nhức răng

Tán nhỏ bồ kết đắp vào chân răng, nước miếng chảy ra thì nhổ đi không được nuốt vào.

Hoặc có thể đốt tồn tính quả bồ kết (rang cho cháy đen bên ngoài mà bên trong vẫn còn chất thuốc) rồi xỉa vào chân răng.

Hay lấy quả bồ kết nướng cháy đen xong bẻ vụn rồi ngâm với rượu trắng theo tỷ lệ 1 phần bồ kết 4 phần rượu. Ngâm 1 ngày 1 đêm thì lấy ra ngậm, nhổ đi rồi lại ngậm vài ngày là khỏi ngay.

2.5 Trị nghẹt mũi, khó thở, viêm xoang

Để trị viêm xoang thì cần đốt quả bồ kết và xông khói vào mũi, mũi sẽ nhanh chóng được thông và dễ thở hơn.

2.6 Trị kiết lỵ

Sao vàng hơi xém 50gr hạt bồ kết rồi tán thành bột mịn. Sau đó, trộn với hồ nếp rồi vo viên cỡ hạt bắp. Dùng sáng và chiều, mỗi lần 12 viên.

2.7 Trị bí đại tiện, tắc ruột, trướng bụng sau mổ, phù ứ nước, giun kim

Đốt tồn tính bồ kết rồi tán nhuyễn, trộn với dầu đậu phộng hoặc dầu mè. Tẩm hỗn hợp này vào bông gòn rồi đặt vào hậu môn vài lần sẽ giúp trung tiện và thông đại tiện.

Riêng với giun kim, bạn thực hiện vào buổi tối, liên tiếp 3 ngày, mỗi ngày 1 lần.

2.8 Trị đầy bụng ở trẻ nhỏ

Đốt quả bồ kết trên bếp than, dùng bàn tay hoặc lá trầu hứng khói rồi ép vào bụng trẻ.

2.9 Trị mụn trứng cá, tàn nhang

Tán nhuyễn mịn 1 chén nhỏ hạt bồ kết và 40gr hạnh nhân. Trước khi đi ngủ thì pha một lượng vừa đủ hỗn hợp này với một ít nước lọc tạo thành hỗn hợp sền sệt và bôi lên chỗ có mụn trứng cá hoặc tàn nhang, đến sáng thì rửa sạch lại.

2.10 Trị ghẻ lở lâu năm

Làm sạch dạ dày heo rồi nhét quả bồ kết vào, buộc chặt lại rồi nấu chín. Khi ăn, bỏ bồ kết và ăn dạ dày.

Khi dùng món này, người bệnh sẽ đi ngoài lỏng nhưng không đáng lo ngại.

2.11 Trị rụng tóc

Nấu bồ kết cùng một lượng nước vừa đủ và đem gội đầu, sử dụng thường xuyên sẽ giúp trị rụng tóc và giúp tóc đen hơn.

3. Những lưu ý khi sử dụng bồ kết

nhung-tac-dung-cua-bo-ket-khien-ban-bat-ngo-voh

Mang nhiều công dụng chữa bệnh tuyệt vời nhưng cả quả, hạt, lá và vỏ cây bồ kết đều có độc tính do đó phải hết sức lưu ý khi sử dụng (Nguồn: Internet)

  1. Cả quả, hạt, lá và vỏ cây bồ kết đều có độc tính. Nhưng tính độc chỉ cao khi dùng làm thuốc mà không sao hay nướng thật vàng hoặc đốt thành than (dùng sống). Còn nếu chỉ dùng ngoài da sẽ không ảnh hưởng đến sức khoẻ.
  2. Tức ngực, nóng rát ở cổ, nôn ói sau đó tiêu chảy, tiểu ra nước có bọt, đau đầu, mệt mỏi, chân tay rã rời chính là những biểu hiện khi bị ngộ độc bồ kết mà bạn cần lưu ý.
  3. Theo lương y Hoàng Duy Tân, vì trong bồ kết có tính tẩy rửa, tính acid nhẹ làm hưng phấn cổ tử cung, dễ gây tình trạng sinh non, sảy thai, và ảnh hưởng không tốt tới thai nhi, con sinh ra có thể mang dị tật nên phụ nữ có thai tuyệt đối không được dùng bồ kết.
  4. Những người có tỳ vị yếu thì không nên dùng bồ kết vì vị thuốc này sẽ làm trướng bụng, tức bụng, bụng kêu óc ách, ăn uống khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, làm mất ngủ người bệnh.
  5. Những người mắc bệnh về đường tiêu hóa, bệnh dạ dày, tá tràng cũng không được dùng bồ kết vì trong hạt bồ kết có chất kích thích, tẩy rửa nên sẽ khiến bệnh của bệnh nhân nặng thêm.
  6. Ngoài ra, những người đang đói cũng không nên dùng bồ kết vì dễ gây ngộ độc, say bồ kết. Đặc biệt là với người già và trẻ em có sức đề kháng yếu dễ gây nên những triệu chứng mệt mỏi như bị ngộ độc.
Bình luận