1. Đặc điểm của cây nở ngày đất
PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, cây nở ngày đất có tên khoa học là Gompherena celosioides Mart, được tìm thấy đầu tiên ở vùng Trung Phi. Ở Việt Nam, nở ngày đất đã có từ khoảng thế kỷ 14 và được Tuệ Tĩnh ghi chép về những kinh nghiệm dùng loại cây này để chữa bệnh.
Cây nở ngày đất có nhiều loại như nở ngày đất hoa trắng, nở ngày đất hoa tím, hoa đỏ,…tuy nhiên, cây nở ngày đất được sử dụng phổ biến hiện nay là cây nở ngày đất hoa trắng.
Cây nở ngày đất hoa trắng (Nguồn: Internet)
2. Cây nở ngày đất có tác dụng gì?
Hiện nay, rất nhiều người truyền tai nhau về kinh nghiệm sử dụng cây nở ngày đất để chữa một số bệnh như sốt, cảm cúm, chữa ho, bệnh huyết trắng ở phụ nữ,…Ngoài ra, nhiều thông tin trên mạng còn cho rằng cây nở ngày đất có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, cây nở ngày đất trị bệnh gout, tiểu đường,…Với những kết quả nghiên cứu trên thế giới về thành phần của cây nở ngày đất thì có thể nói kinh nghiệm chữa bệnh của người dân từ cây nở ngày đất là có cơ sở khoa học.
Tác dụng chữa bệnh của cây nở ngày đất chưa được chứng minh cụ thể ở Việt Nam (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, bác sĩ Bay nhấn mạnh, đến nay các thầy thuốc y học cổ truyền chính thống vẫn chưa sử dụng cây nở ngày đất trong công tác điều trị bệnh. Mặc dù ở nước ta cũng có một số nghiên cứu về loài cây này nhưng nó vẫn không ‘đến nơi đến chốn’ và chỉ dừng lại ở kinh nghiệm sử dụng.
Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều nhà dược học cũng đang nghiên cứu xem cây nở ngày đất có tác dụng chữa bệnh gout và tiểu đường hay không. Vì vậy, chúng ta phải chờ đợi kết quả nghiên cứu và đừng tùy tiện dùng trước khi có kết luận chính xác.
Bác sĩ Bay cũng hy vọng các nhà dược học của nước ta sớm có kết quả nghiên cứu về tác dụng của cây nở ngày đất để có thể chứng minh các kinh nghiệm sử dụng của người dân.
3. Cây nở ngày đất có độc không?
Như đã nói, tùy vào thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết,…mà thành phần của cây nở ngày đất có thể khác nhau. Hiện nay, vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào chứng minh cây nở ngày đất ở Việt Nam có độc tố hay không có độc tố.
Tuy nhiên, ở Úc, người ta đã nghiên cứu và ghi nhận cây nở ngày đất có độc tố. Người ta thử nghiệm trên ngựa, cho ngựa vào vùng đất có nhiều cây nở ngày đất để chúng ăn. Sau khi ăn, ngựa bị run cơ, chạy loạng choạng, mất tỉnh táo và giảm sức chạy. Đối với chó, khi “đùa nghịch” ở vùng đất có cây nở ngày đất thì chúng bị bệnh về nấm và trầy xước nhiều. Chính vì vậy, người ta ghi nhận rằng cây nở ngày đất hoàn toàn có độc tố.
Lời khuyên: Đến nay, vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào chứng minh về tác dụng thật sự của cây nở ngày đất. Vì vậy, khi có bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ hoặc thầy thuốc để thăm khám và điều trị, đừng bỏ qua cơ hội “vàng” điều trị bệnh bằng các phương pháp y học hiện đại.
Bạn có thể nghe lại chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới:
4. Thành phần hóa học trong cây nở ngày đất
Bác sĩ Bay cho biết, hiện Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu sâu về cây nở ngày đất, tuy nhiên một số nước trên thế giới đã vào cuộc nghiên cứu và tìm ra được những thành phần trong cây nở ngày đất gồm có:
- Ở Ấn Độ, người ta nghiên cứu dịch chiết nước với cồn của cả cây nở ngày đất có chứa tinh bột, protein, chất béo, phenol. Nước này cũng đã chứng minh trên thực nghiệm (thử nghiệm ở động vật) rằng cây nở ngày đất có tính kháng khuẩn, nhất là đối với 3 chủng vi khuẩn phổ biến là Escherichia coli, Pseudomonas và Staphylococcus.
- Ở Mỹ, có một công trình nghiên cứu vào năm 1991 cũng phát hiện trong dịch chiết nước với cồn của cây nở ngày đất có thành phần alkaloid, saponin và tecpen.
- Ở Úc, người ta nghiên cứu và tìm thấy trong cây nở ngày đất có thành phần flavon.
- Tại Việt Nam, theo tài liệu của Võ Văn Chi về Cây thuốc Việt Nam và giáo sư Đỗ Tất Lợi ghi nhận trong cây nở ngày đất có một số thành phần hợp chất glycosid và flavon. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào trên thực nghiệm cũng như trên lâm sàng chứng minh về tác dụng điều trị bệnh của cây nở ngày đất ở Việt Nam.
Bác sĩ Bay cho biết, nhìn chung tùy vào thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết ở mỗi vùng đất mà cây nở ngày đất có thành phần khoa học khác nhau.