Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Tác dụng của củ bình vôi trong điều trị mất ngủ

(VOH) - Tác dụng của củ bình vôi đã được sử dụng cho Bộ đội từ thời kháng chiến chống Pháp để điều trị mất ngủ, chống đau tim. Đến nay, củ bình vôi vẫn được sử dụng rộng rãi giúp an thần, ngủ ngon.

Củ bình vôi hay còn gọi là củ một, củ mối trôn, ngải tượng, tử nhiên, tên khoa học là Stephania rotundaLour, thuộc họ Tiết dê Menispermaceae. Bình vôi là loại cây dây leo, có một đoạn thân giáp đất phình to ra được gọi là củ bình vôi, nhiều người nhầm lẫn đoạn phình to này là củ của cây nhưng không phải, đây chính là một đoạn thân của bình vôi. Sở dĩ cây có tên bình vôi vì phần thân phình to này trông rất giống bình đựng vôi thường dùng để tôi vôi ăn trầu. Lá bình vôi hình trái tim, mọc so le. Hoa nhỏ màu xanh nhạt. Quả hình cầu khi chín màu đỏ, hạt hình móng ngựa.

tac-dung-cua-cu-binh-voi-va-bai-thuoc-tri-mat-ngu-voh-1

Bình vôi là loại cây dây leo, có một đoạn thân giáp đất phình to ra được gọi là củ bình vôi (Nguồn: Internet)

Cây bình vôi mọc ở hầu khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt những nơi có núi đá như Hòa Bình, Ninh Bình, Lai Châu,…

1. Công dụng của củ bình vôi

Củ bình vôi được thu hái quanh năm để làm thuốc bằng cách thái mỏng phơi khô sắc nước uống hoặc ngâm rượu. Thường khi phơi 5kg củ bình vôi tươi sẽ thu về được 1kg khô do củ mọng nước.

Rotundin là một hoạt chất quý được nhà khoa học Bùi Đình Sang phát hiện trong củ bình vôi năm 1940. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Liên Xô, rotundin trong củ bình vôi rất ít độc tố, giúp trấn kinh, bổ tim, an thần, gây ngủ, chống co quắp và hạ huyết áp.

Theo y học cổ truyền, bình vôi có công năng an thần, tuyên phế. Công dụng làm thuốc an thần, gây ngủ, chữa nhức đầu, sốt nóng, đau dạ dày (thuộc nhiệt), ho nhiều đờm, hen suyễn, khó thở, hạ huyết áp, giật kinh phong, chống co quắp. Phối hợp với các vị thuốc khác có thể trị ho lao, sốt rét, kiết lỵ, ngứa lở ngoài da, mụn nhọt. Chất này còn có tác dụng điều hòa tim mạch nên dùng để điều trị bệnh đau tim, chống co thắt cơ vành, hạ huyết áp, có thể dùng để trị hen suyễn vì có tác dụng điều hòa hô hấp.

tac-dung-cua-cu-binh-voi-va-bai-thuoc-tri-mat-ngu-voh-2

Công năng tuyệt vời nhất của củ bình vôi là giúp an thần, ngủ ngon (Nguồn: Internet)

2. Bài thuốc chữa mất ngủ từ củ bình vôi

2.1 Bài thuốc 1:

Củ bình vôi tán bột ngâm rượu 40 độ theo tỷ lệ 1 phần bột 5 hoặc 10 phần rượu.

Sử dụng 5 - 15ml rượu một ngày, có thể thêm chút đường cho dễ uống.

2.2 Bài thuốc 2:

Nguyên liệu: Củ bình vôi 8g, lá vông 12g, hạt sen 10 - 15g, long nhãn 10 - 15g, nhân hạt táo chua (sao) 10 - 15g.

Cách dùng: Tất cả nguyên liệu sắc uống ngày 1 thang. Uống trong ngày và trước khi ngủ 30 phút.

Bài thuốc này giúp trị mất ngủ ở người gầy yếu, hay hồi hộp, sợ hãi, đánh trống ngực, ngủ không yên, trí nhớ giảm, tinh thần suy nhược, ăn uống kém, gầy sút, mỏi mệt rất hiệu nghiệm.

3. Những lưu ý khi sử dụng củ bình vôi

tac-dung-cua-cu-binh-voi-va-bai-thuoc-tri-mat-ngu-voh-3

Ít nhiều trong củ bình vôi vẫn chứa độc tố, do đó nên tìm hiểu kỹ trước khi dùng (Nguồn: Internet)

Công dụng được sử dụng nhiều nhất của củ bình vôi là an thần tuy nhiên nếu dùng liều lượng cao sẽ gây kích thích thần kinh trung ương dẫn đến co giật. Liều lượng thường dùng là 3 - 6g ở người lớn.

Trong củ bình vôi ít nhiều vẫn có chứa độc tố vì vậy không nên tự ý sử dụng mà vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước.