Tác dụng của tỏi và cách ăn tỏi tốt nhất

(VOH) - Tỏi là gia vị có từ rất lâu đời cũng là một loại thuốc thường dùng trong nhân dân ta và trên toàn thế giới.

Thống kê cho thấy, có hơn 3.000 tài liệu đã từng đề cập tác dụng của tỏi với sức khỏe con người. Theo BS CK2 Nguyễn Xuân Thắng - nguyên Trưởng khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhân dân 115, tỏi có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng phù hợp với loại gia vị này. Theo Đông y, tỏi vị cay, tính ôn, tác động vào hai kinh can và vị, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, trừ phong, thông khiếu, tiêu nhọt, tiêu đờm... Ngoài ra, tỏi còn có nhiều công dụng khác.

củ tỏi

Củ tỏi có nhiều lợi ích với sức khỏe (Ảnh: healthline)

Tác dụng của tỏi

Chữa các bệnh cảm cúm

Thời xa xưa, ông tổ nghề y Hypocrates đã khen ngợi tỏi là vị thuốc trị được nhiều bệnh. Trong dân gian, tỏi vẫn được coi như vị thuốc để chữa cảm cúm.

Theo quan niệm hiện đại, tỏi được cho là một gia vị làm tăng cường hệ miễn dịch. Một nghiên cứu kéo dài 12 tuần cho thấy bổ sung tỏi hàng ngày giảm được 63% số ca mắc cúm so với giả dược; Thời gian trung bình của triệu chứng cúm từ 5 ngày xuống còn 1,5 ngày.

Tuy nhiên, nhiều tác giả cho rằng chưa đủ bằng chứng để đánh giá hiệu quả phòng và điều trị cảm cúm, nhưng việc bổ sung tỏi trong bữa ăn vẫn là việc nên làm nếu bạn thường xuyên bị cảm cúm

Dùng tỏi như kháng sinh

Trong Thế chiến thứ I, Nga đã dùng tỏi để điều trị nhiễm trùng (còn gọi là penicillin Nga), các bác sĩ Anh đã dùng tỏi để chữa vết thương. Ngoài ra còn có câu chuyện vượt qua dịch hạch thần kỳ nhờ tỏi. Ngoài ra trong lịch sử cũng ghi nhận việc sử dụng tỏi điều trị lao của người Mỹ. Sau này người ta tìm thấy tác dụng của tỏi ức chế vi khuẩn mạnh bằng 1/5 penicillin.

Tỏi giúp giảm huyết áp

Các nghiên cứu trên người cho thấy các chất bổ sung từ tỏi giảm được huyết áp đáng kể ở người huyết áp cao. Trong một nghiên cứu, người ta dùng 600-1500mg tỏi chiết xuất/ngày thấy tác dụng giảm huyết áp tương đương Atenolol trong khoảng 24 tuần. Như vậy lượng tỏi để đạt được kết quả này khá cao, khoảng 4 tép tỏi

Giảm mỡ máu

Hiện nay đã có rất nhiều chế phẩm từ tỏi để điều trị rối loạn mỡ máu cho tác dụng tốt. Đã có nhiều nghiên cứu tác dụng của tỏi tới mỡ máu. Bằng các nghiên cứu đối chứng, so sánh tác dụng của tỏi với giả dược và với một số thuốc statin hoặc fibrate thấy tỏi thực sự có tác dụng điều trị rối loạn mỡ máu.

tỏi giấm
Tỏi ngâm dấm là lựa chọn phù hợp vì vừa giảm bớt mùi khó chịu vừa tăng tác dụng của tỏi. (Ảnh: thespruceeats)

Tác dụng chống oxy hóa, chống lại bệnh Alzheimer’s và sa sút trí tuệ

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỏi có tác dụng giảm huyết áp, giảm mỡ máu thông qua quá trình chống oxy hóa. Quá trình này cũng ngăn cản sự tích tụ nhiều beta-amyloid và protein tau (một protein liên kết vi chất được tìm thấy trong hầu hết các mô và tồn tại rất cao trong hệ thần kinh trung ương và ngoại vi) được cho là cơ chế chính trong bệnh sa sút trí tuệ.

Tăng cường sức mạnh, giảm mệt mỏi

Các tư liệu trong quá khứ về tác dụng chống mệt mỏi, tăng cường sức mạnh cho con người của tỏi dần được chứng minh bằng các nghiên cứu khoa học. Naoaki Morihara và cộng sự đã làm nghiên cứu trên động vật cho thấy tỏi có tác dụng làm tăng sức bền vận động.

Trong nghiên cứu trên người cũng nhận thấy tỏi cải thiện được các chứng mệt mỏi thể chất, mệt mỏi do lạnh hoặc chứng ủ rũ không rõ nguyên nhân. Nhật bản cũng đã tiến hành đánh giá sự mệt mỏi một cách khách quan và định lượng bằng các dấu ấn sinh học để đánh giá tác dụng chống mệt mỏi của tỏi. Với các dữ liệu hiện tại, cho thấy tỏi là một thức ăn – vị thuốc chống mệt mỏi đầy hứa hẹn.

Ngoài ra, cách chế biến tỏi khác nhau cũng cho thấy tác dụng chống mệt mỏi khác nhau. Cách chế biến được cho là tốt nhất là dùng tỏi sống sau đó ngâm trong dấm trong thời gian dài.

Giúp kéo dài tuổi thọ

Tỏi được biết đến có tác dụng giảm nhiều loại bệnh mạn tính, từ đó giúp tuổi thọ con người được tăng lên

Sử dụng tỏi như thế nào thì phù hợp?

Xung quanh thông tin “sử dụng tỏi như thế nào thì phù hợp”, BS CK2 Nguyễn Xuân Thắng lưu ý, khi chế biến, người dùng nên đập dập tỏi, băm nhỏ, để khoảng 3-5 phút rồi mới cho vào thức ăn để cho tỏi có đủ thời gian tạo thành alicin, một hoạt chất rất có lợi. Khi nấu cũng không nên nấu chín tỏi quá sẽ mất hoạt chất này.

Tác dụng của tỏi và cách ăn tỏi tốt nhất 2
Người dùng nên đập dập tỏi, băm nhỏ, để khoảng 3-5 phút rồi mới cho vào thức ăn (Ảnh: healthline)

Theo bác sĩ Thắng, tỏi ngâm dấm cũng nên lựa chọn vì vừa giảm bớt mùi khó chịu vừa tăng tác dụng của tỏi.

Một số chuyên gia khuyên, mỗi người không nên ăn quá 4 tép tỏi/ngày. Phụ nữ có thai và cho con bú không nên ăn quá nhiều tỏi, trẻ em dưới 7 tuổi cũng vậy và không ăn quá 1 tép tỏi/ngày.

Xem thêm: Tỏi rất tốt nhưng liệu có là thực phẩm an toàn đối với phụ nữ mang thai?

Theo Đông y, tỏi có vị cay, tính nóng nên cũng không nên ăn nhiều vào buổi tối, có thể gây mất ngủ. Đặc biệt, không nên dùng tỏi chung với các thuốc chống đông máu.