Tại sao người béo phì dễ bị trở nặng khi mắc sốt xuất huyết?

(VOH) - Các bác sĩ cảnh báo, người bị béo phì, tiểu đường hoặc đang bị nhiễm trùng thứ phát… sẽ dễ bị trở nặng khi mắc sốt xuất huyết.

Bệnh viện Bạch Mai vừa đưa ra một số lưu ý về các đối tượng dễ bị trở nặng khi mắc sốt xuất huyết. Trong đó nhấn mạnh tới các đối tượng thừa cân, béo phì.

Lưu ý này được đưa ra sau khi xuất hiện trường hợp cô gái 19 tuổi nặng gần 160kg rơi vào tình trạng nguy kịch khi mắc sốt xuất huyết.

Xem thêm: 6 dấu hiệu sốt xuất huyết nguy hiểm ở trẻ em

Số trẻ thừa cân, béo phì mắc sốt xuất huyết tăng

Tình hình sốt xuất huyết năm nay có nhiều khác biệt khi số trẻ thừa cân, béo phì mắc sốt xuất huyết tăng hơn. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương năm nay tiếp nhận gần 10 trẻ thừa cân, béo phì mắc sốt xuất huyết; trong khi các năm trước chỉ khoảng 1-2 ca.

Tại TPHCM nơi đang có tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì cao nhất cả nước, trong những năm vừa qua cũng ghi nhận sự gia tăng số trẻ nhập viện do mắc sốt xuất huyết trên cơ địa thừa cân, béo phì với những biến chứng nặng.

béo phì, sốt xuất huyết
Người béo phì dễ bị trở nặng khi mắc sốt xuất huyết là do họ thuộc nhóm đối tượng có miễn dịch kém hơn và thường đi kèm các bệnh nền khác như: Tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường...

Trẻ thừa cân béo phì bị sốt xuất huyết sẽ có phản ứng nhiều hơn và mạnh hơn so với những trẻ bình thường khác. Một trong những phản ứng đó chính là trẻ dễ sốc, sốc nặng, tổn thương gan, rối loạn đông máu, sốc kéo dài, xuất huyết nặng...

Người béo phì thường được xếp vào nhóm nguy cơ cao, phải theo dõi sát sao nhất là trong vấn đề theo dõi, bù dịch so với người có cân nặng bình thường; việc điều trị sốt xuất huyết cũng phức tạp hơn. Đa số người béo phì bị rối loạn về nhiều mặt như rối loạn chuyển hóa mỡ, đạm, đường, điện giải, rối loạn nhịp thở, rối loạn miễn dịch...

Bệnh nhân dễ bị bội nhiễm, khiến bệnh tiến triển nặng hơn như suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, thận. Thời gian điều trị sẽ lâu, phức tạp hơn bình thường.

Ngoài ra, bệnh nhân khó có thể lấy ven hay thực hiện các kỹ thuật cấp cứu, hồi sức khác. Khó khăn nhất trong điều trị cho nhóm này là điều chỉnh lượng dịch truyền phù hợp với thể trạng.

Ngoài người béo phì, một số đối tượng cũng dễ chuyển nặng khi sốt xuất huyết là trẻ ở lứa tuổi sơ sinh, nhũ nhi; trẻ suy dinh dưỡng; các trẻ có bệnh đi kèm như bạch cầu cấp, xuất huyết giảm tiểu cầu, đái tháo đường hoặc đang bị nhiễm trùng thứ phát (viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết…); trẻ đồng mắc các bệnh do virus khác như Covid-19, tay chân miệng…

Do vậy, cha mẹ cần chú ý phát hiện các dấu hiệu trở nặng của sốt xuất huyết ở những đối tượng này để kịp thời để thông báo với các bác sĩ hoặc cho trẻ nhập viện để theo dõi điều trị.

Xem thêm: Không tự ý mua thuốc, tự chữa bệnh sốt xuất huyết tại nhà

Các dấu hiệu cảnh báo chuyển nặng ở bệnh nhân sốt xuất huyết

Các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết ở trẻ em vào giai đoạn nguy hiểm thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, trẻ có xu hướng giảm sốt nhưng lại có các dấu hiệu nặng như:

  • Đột nhiên đau bụng, đau bụng vùng gan và cảm giác đau tăng dần.
  • Bồn chồn trong người, vật vã, li bì.
  • Số lần và số lượng đi tiểu giảm hơn.
  • Chảy máu bất kỳ chỗ nào: chân răng, mũi…, chảy máu niêm mạc, nội tạng.
  • Đi ngoài ra máu, nôn ra máu.
  • Giảm tiểu cầu nặng.
  • Da xung huyết, dễ bị bầm tím khi va đập.
  • Sốc giảm thể tích, xuất huyết nặng, suy đa cơ quan.