Tầm quan trọng của xét nghiệm tiền sản và các mốc thời gian cần nhớ

(VOH) – Mang thai là 1 giai đoạn rất quan trọng nhưng cũng đầy lo lắng với người phụ nữ. Do đó, để đảm bảo em bé được sinh ra khỏe mạnh, mẹ bầu nên thực hiện xét nghiệm tiền sản càng sớm càng tốt.

Xét nghiệm tiền sản là gì, khi nào nên thực hiện?

Xét nghiệm tiền sản trước sinh là xét nghiệm dành cho các bà mẹ mang thai để nhận biết được các bất thường của thai nhi ngay từ trong bụng mẹ. Phần lớn những trường hợp thai không bình thường đều có thể được nhận biết thông qua xét nghiệm tiền sản.

Theo BS CKII Bùi Thanh Vân (Trưởng khoa khám dịch vụ, BV Từ Dũ), trong 9 tháng thai kỳ thai phụ có thể thực hiện xét nghiệm tiền sản ở tất cả các giai đoạn. Chẳng hạn khi có dấu hiệu mang thai, mẹ bầu có thể đi khám thai lần đầu để xem xét về quá trình hình thành bào thai, tức là thai nằm trong tử cung hay thai ngoài tử cung.

Bên cạnh đó, trong thai kỳ sẽ có những mốc cực kỳ quan trọng mà các mẹ bầu nên thực hiện đầy đủ xét nghiệm tiền sản để tầm soát các dị tật của thai nhi, đó là:

Giai đoạn đầu

  • Thai 12 tuần: Thực hiện siêu âm đo độ mờ da gáy và lấy máu để làm xét nghiệm. Xét nghiệm này có thể phát hiện hiện được nhiều bất thường, đặc biệt là bệnh Down.
  • Thai 11 – 13 tuần 6 ngày: Thực hiện xét nghiệm double Test để sàng lọc dị tật thai nhi về di truyền và NST. Nếu bỏ qua giai đoạn này mẹ có thể làm xét nghiệm Triple test ở tuần thai 14 – 20 tuần, tuy nhiên độ chính xác sẽ không còn cao, chỉ khoảng 60%.

Giai đoạn 2

  • Khi thai khoảng 22 tuần, mẹ bầu sẽ tiến hành tầm soát về dị tật hình thái của thai nhi dựa trên siêu âm 4D để phát hiện những dị tật liên quan đến hình thái bên ngoài chẳng hạn như em bé bị dư chân, tay, vị trí sai lệch của các cơ quan...

Giai đoạn 3

  • Thai 32 tuần, một số mẹ bầu sẽ được chỉ định thực hiện siêu âm doppler thai để giúp tầm soát các vấn đề như thai suy dinh dưỡng, thiếu máu và quan sát lưu lượng máu lên não để kiểm tra về tình trạng thiếu oxy não ở thai nhi.

Ngoài ra, tùy vào từng thai kỳ cụ thể bác sĩ sẽ có những chỉ định tầm soát thai kỳ riêng.

Phân loại xét nghiệm tiền sản

BS CKII Bùi Thanh Vân cho biết, trong xét nghiệm tiền sản được chia thành 2 loại chính, đó là xét nghiệm sàng lọc trước sinh và xét nghiệm chẩn đoán trước sinh.

  • Xét nghiệm sàng lọc trước sinh

Là xét nghiệm dành cho tất cả thai phụ. Thực hiện các test sàng lọc có thể giúp nhận biết khả năng thai nhi mắc những dị tật bẩm sinh nhất định. Test sàng lọc thường bao gồm: xét nghiệm máu, siêu âm đo độ mờ da gáy và sàng lọc DNA chuyên biệt. Xét nghiệm sàng lọc trước sinh thường được tiến hành trong 3 tháng đầu hoặc 3 tháng giữa thai kỳ.

Tuy nhiên, sàng lọc trước sinh không thể làm căn cứ để chẩn đoán xác định. Trong trường hợp kết quả đưa ra có nguy cơ cao, bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn, thảo luận về việc thực hiện xét nghiệm chẩn đoán trước sinh để đưa ra kết quả chính xác.

  • Xét nghiệm chẩn đoán trước sinh

Nếu kết quả xét nghiệm sàng lọc trước sinh “liệt” thai phụ vào nhóm có nguy cơ cao thì bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành xét nghiệm chẩn đoán trước sinh. Thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán thai phụ sẽ có được kết quả chính xác nhất về vấn đề thai nhi đang mắc phải.

Các xét nghiệm chẩn đoán trước sinh thường áp dụng nhiều nhất là sinh thiết gai nhau (áp dụng trong 3 tháng đầu) và chọc ối (áp dụng từ 16 tuần trở lên).

Như vậy, việc thực hiện xét nghiệm tiền sản có vai trò vô cùng quan trọng trong việc theo dõi thai kỳ cũng như giúp phát hiện sớm các bất thường của thai nhi. Do đó, mẹ bầu cần lưu ý kỹ các vấn đề này, thực hiện đúng để có thể nuôi dưỡng thai nhi khỏe mạnh ngay từ những ngày đầu tiên còn trong bụng mẹ.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

Mẹ có thể tầm soát khả năng dị tật ở thai nhi thông qua 5 xét nghiệm này : Phụ nữ trên 35 tuổi mang thai thường có nguy cơ gặp phải các vấn đề về sinh sản. Vì thế, việc thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước sinh là biện pháp tối ưu giúp mẹ bầu gạt bỏ những âu lo.

Nếu muốn con khỏe mạnh thông minh, mẹ bầu nhất định phải làm 2 xét nghiệm này trước khi sinh : Sàng lọc trước khi sinh không còn xa lạ với phụ nữ mang thai, nhưng không phải ai cũng hiểu đúng về từng xét nghiệm. Trong đó có Double và Triple test - những xét nghiệm giúp tầm soát dị tật ...

Bình luận