Tập dưỡng sinh có lợi ích gì?

(VOH) – Luyện tập dưỡng sinh đúng cách sẽ giúp mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe lẫn tâm hồn bên trong. Hãy cùng tìm hiểu việc tập dưỡng sinh sẽ mang đến những lợi ích gì?

1. Dưỡng sinh là gì?

Dưỡng sinh là một phương pháp tự luyện tập gồm 3 phần lớn là: luyện tập, ăn uống và thái độ trong cuộc sống.

Mục đích của dưỡng sinh là nuôi dưỡng, tu dưỡng, luyện dưỡng để phòng bệnh, chữa bệnh, tăng cường sức khỏe để kéo dài tuổi thọ. Đó là lý do có nhiều người cao tuổi rất thích tập dưỡng sinh.

Bí quyết để luyện tập có kết quả trong phương pháp dưỡng sinh chính là luyện thở. Khi tập dưỡng sinh, việc thở được chia theo thời. Có 4 thời chín đó là: hít vào, giữ hơi, thở ra và nghỉ. Người luyện thở có thể tập luyện hai thời, ba thời hoặc bốn thời, tùy theo thể trạng và bệnh tật của mỗi người.

2. Lợi ích của việc tập dưỡng sinh

2.1 Trên hệ hô hấp

Những bài tập dưỡng sinh dành cho người cao tuổi thường rất có lợi cho hệ hô hấp. Trong quá trình tập việc thở sâu sẽ có tác dụng đưa dưỡng khí vào tận đáy phổi và đỉnh phổi, duy trì sức thở không bị giảm đi theo tuổi tác.

2.2 Trên hệ tuần hoàn

tap-duong-sinh-co-loi-ich-gi-voh

Tập dưỡng sinh giúp mang lại nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Các bài tập dưỡng sinh thường chú trọng đến hơi thở. Khi thở sâu sẽ giúp khí huyết trong cơ thể lưu thông tốt hơn và giúp ít rất nhiều cho quá trình trao đổi khí – máu (biến máu đen thành máu đỏ được nhiều hơn).

2.3 Trên hệ thần kinh

Việc điều hòa hơi thở còn giúp hệ thần kinh hoạt động tốt hơn làm giảm các triệu chứng mệt mỏi, căng thẳng và đặc biệt là chứng hay quên ở người già.

2.4 Trên hệ tiêu hóa

Tập luyện dưỡng sinh thường xuyên còn giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, giúp tăng cảm giác thèm ăn và ăn ngon miệng hơn, từ đó nâng cao khả năng hấp thu chất dinh dưỡng.

2.5 Trên hệ miễn dịch

Ngoài việc tập dưỡng sinh trị bệnh thì các bài tập dưỡng sinh còn giúp tăng cường oxy đến các tế bào của lục phủ ngũ tạng giúp tăng sức đề kháng của cơ thể, phòng ngừa bệnh tật, chống lão hóa tế bào.

Ngoài ra, các động tác tập vận động cột sống trong các bài tập dưỡng sinh còn giúp tăng cường độ dẻo dai, phòng ngừa bệnh loãng xương ở người cao tuổi và giúp người già giảm bớt các triệu chứng mất ngủ, tạo tinh thần vui vẻ, lạc quan yêu đời hơn.

3. Ai có thể tập dưỡng sinh?

Từ trước đến nay, nhiều người vẫn thường nghĩ rằng chỉ có người cao tuổi mới tập dưỡng sinh. Tuy nhiên, thực tế các bài tập dưỡng sinh đều có thể áp dụng cho nhiều đối tượng khác. Cụ thể:

  • Người có sức khỏe yếu
  • Người có bệnh mãn tính
  • Người trẻ tuổi có thể tập dưỡng sinh để sức khỏe tốt hơn.

4. Gợi ý một số bài tập dưỡng sinh đơn giản

Trong y học phương Đông có nhiều phương pháp tập luyện để dưỡng sinh như: xoa bóp, khí công, thái cực quyền, ngồi thiền, luyện khí bên trong, luyện hình bên ngoài... Dưới đây là một số bài tập dưỡng sinh cơ bản, đơn giản để mọi người có thể áp dụng tập luyện tại nhà.

4.1 Bài tập hít thở sâu

Bí quyết để luyện tập có kết quả trong phương pháp dưỡng sinh chính là luyện thở. Kỹ thuật thở đúng ‘mở thanh quản ở thời giữ hơi, sau khi hít vào gắng sức’ giúp người tập hạn chế được các cơn tai biến.

tap-duong-sinh-co-loi-ich-gi-1-voh

Tập dưỡng sinh thường chú trọng đến hơi thở (Nguồn: Internet)

Cách luyện tập: Đầu tiên, hít hơi sâu đẩy khí xuống đáy phổi. Giữ hơi lại trong phổi để trao đổi oxy và khí CO2 hoàn chỉnh. Sau đó, thở ra từ từ và tự nhiên. Cuối cùng, thả lỏng hoàn toàn cơ thể.

4.2 Bài tập thư giãn cơ thể

Đây là bài tập giúp người tập loại bỏ các mệt mỏi, ức chế. Giúp làm giảm căng thẳng cũng như điều hòa hệ thần kinh.

Cách luyện tập: Nằm thẳng và nhắm mắt, thả lỏng toàn bộ cơ thể để tiến vào trạng thái nghỉ ngơi. Đồng thời, giữ hơi thở đều đặn và nhịp nhàng.

4.3 Bài tập xoa bóp cơ thể

Luyện tập phương pháp dưỡng sinh bằng bài tập xoa bóp cơ thể sẽ giúp các tĩnh mạch được thư giãn, tăng cường hoạt động cho hệ hô hấp cũng như hệ tiêu hóa.

Cách luyện tập: Đầu tiên xoa bóp các bộ phận trên mặt và đầu (xoa bóp mí mắt, qua 2 tai, xuống mũi và miệng rồi dọc theo 2 bên má). Tiếp theo xoa bóp các bộ phận từ cổ xuống chân. Cần thực hiện việc xoa bóp một cách nhẹ nhàng kết hợp với việc thả lỏng cơ thể và hít thở đều đặn.

Ngoài ra, để giữ gìn sức khỏe thì bên cạnh việc tập luyện người tập cũng nên lưu ý đến thói quen sinh hoạt hàng ngày. Chẳng hạn như: không nhịn tiểu, uống đủ nước, không nên ăn quá mặn, hạn chế rượu bia, thuốc lá,... Đồng thời kết hợp ngủ sớm dậy sớm, bổ sung đủ chất dinh dưỡng để sức khỏe ổn định và tinh thần thoải mái hơn.