Các bác sĩ cho rằng, thực tế có nhiều nguyên nhân gây tê tay chân, loạn dưỡng dây thần kinh có thể do bệnh lý thần kinh hoặc do chèn ép dây thần kinh cục bộ gây ra.

Tê tay chân đồng nghĩa với tuần hoàn máu kém?
Li Yanyu, bác sĩ nhiều kinh nghiệm về Phục hồi chức năng người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, thực tế có rất nhiều nguyên nhân gây tê tay chân, có thể do các vấn đề về mạch máu ngoại biên lâu dài dẫn đến chứng loạn dưỡng thần kinh hoặc thiếu máu cục bộ gây ra.
Tuy nhiên, nguyên nhân lâm sàng phổ biến khiến tê tay chân là bệnh lý thần kinh do tiểu đường, bệnh rễ thần kinh hoặc thoát vị đĩa đệm, gai xương dài…Nó cũng có thể do bị chèn ép dây thần kinh cục bộ, chẳng hạn như hội chứng ống cổ tay, hội chứng đường hầm xương trụ…
Tuy nhiên, những bệnh này không thể đơn thuần chữa khỏi bằng thuốc mà cần phải được thăm khám, chẩn đoán và theo dõi chuyên khoa. Nếu gặp phải vấn đề này trong một thời gian dài, mọi người nên đi gặp bác sĩ chuyên khoa thăm khám càng sớm càng tốt.
Cách chăm sóc thần kinh và mạch máu khỏe mạnh
Bác sĩ Li Yanyu cho biết, bước đầu tiên để duy trì thần kinh và mạch máu khỏe mạnh là tập thể dục thường xuyên hơn, leo cầu thang ở nhà hoặc đi bộ tại chỗ trong 10 phút sẽ tốt hơn là ngồi yên một chỗ trong thời gian dài.
Uống nhiều nước cũng là một cách rất hiệu quả, đủ nước có thể giúp cải thiện tuần hoàn cơ thể tốt hơn. Uống đủ lượng nước ít nhất theo công thức “trọng lượng cơ thể x 30ml”, uống đủ nước để tránh chèn ép dây thần kinh, khiến tê tay chân.
Uống vitamin B khi tay chân tê nhức có hữu ích không?
Một số người cho rằng, khi tay chân bị tê nhức, có thể cải thiện bằng cách bổ sung vitamin nhóm B (còn gọi là phức hợp vitamin nhóm B).
Bác sĩ Li Yanyu khuyến cáo mọi người rằng, vitamin B có thể cải thiện hiệu quả cơn đau nhức do bệnh thần kinh ngoại biên, chẳng hạn như chèn ép rễ thần kinh cột sống, hội chứng ống cổ tay, bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường…
Nhưng nó không có hiệu quả đối với cơn đau do bệnh thần kinh trung ương gây ra, chẳng hạn như như đột quỵ, chấn thương tủy sống… Nếu không thuyên giảm, mọi người cần chú ý hơn khi bổ sung vitamin B.
Dưới đây là một số cách để hấp thụ được phức hợp vitamin B từ chế độ ăn uống hàng ngày của mình:
- Vitamin B1: có thể hấp thụ từ các loại ngũ cốc như gạo lứt và bắp (ngô).
- Vitamin B2: có thể lấy từ sữa, trứng, nội tạng, nghêu và các loại rau có màu xanh đậm.
- Vitamin B6: có thể tìm thấy từ ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, rau xanh, gan và các loại hạt.
- Vitamin B12: có thể hấp thụ từ các nguồn thịt, cá, sữa, trứng.