Như thế nào được xem là thai to?
Bác sĩ Bùi Thanh Vân (Trưởng khoa khám dịch vụ, BV Từ Dũ) cho biết, theo quy chuẩn chung, phụ nữ mang thai sinh con lần đầu (con so) nếu cân nặng ủa bé từ 3.5kg trở lên được coi là con to, sinh con lần thứ 2 trở đi (con rạ) trẻ sơ sinh từ 4kg trở lên được coi là con to. Tuy nhiên, muốn xác định trẻ có to hơn chuẩn bình thường hay không thì cần phải xem xét thêm về yếu tố về di truyền, vóc dáng của người mẹ và người cha...
Cân nặng thai nhi lý tưởng là khoảng từ 3 - 3.2kg khi sinh (Nguồn: Internet)
Một bào thai phát triển ở mức chuẩn mực nhất sẽ có cân nặng khoảng từ 3-3.2kg khi sinh, nhưng không phải thai phụ nào cũng đạt được cân nặng lý tưởng. Chính vì thế, để theo dõi cân nặng thai nhi trong thai kỳ bác sĩ sẽ dựa vào bách phân vị. Nếu bách phân vị từ 90 trở lên khả năng thai to là rất cao, từ 10 trở xuống thai nhi có dấu hiệu chậm tăng trưởng trong tử cung, hay còn gọi là thai suy dinh dưỡng.
Theo bác sĩ Bùi Thanh Vân, nếu thai được chẩn đoán là to nhưng sức khỏe người mẹ bình thường và sự phát triển của bé trong thai kỳ do được di truyền từ ba mẹ thì thai to không phải điều bất thường. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp mang thai to đều xuất phát từ bệnh lý và điều này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe cho cả người mẹ lẫn bé yêu trong bụng.
Nguyên nhân dẫn đến thai to
Chế độ dinh dưỡng cũng là yếu tố là tăng khả năng mang thai to (Nguồn: Internet)
Theo số liệu thống kê nghiên cứu của các khoa Sản trong nước cũng như ngoài nước cho thấy, cân nặng của trẻ sơ sinh trong điều kiện người mẹ dinh dưỡng đầy đủ sẽ phụ thuộc vào tính di truyền của nòi giống. Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân do di truyền thì thai to còn phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Sức khỏe và thể lực người mẹ: Mẹ có chế độ dinh dưỡng tốt, cơ thể khỏe mạnh thì em bé cũng sẽ to khỏe.
- Dinh dưỡng trong thai kỳ: Mẹ ăn nhiều, dư thừa dưỡng chất có thể khiến em bé phát triển vượt trội hơn bình thường.
- Thai to do mẹ tăng cân béo phì hoặc bị bệnh đái tháo đường thai kỳ
Thai to gây ra những ảnh hưởng gì?
Thai to có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe của người mẹ lẫn thai nhi trong bụng.
Nguy cơ cho thai phụ
Người mẹ mang thai to nếu sinh thường sẽ gặp phải các nguy cơ như:
- Tổn thương đường sinh dục nghiêm trọng như như âm đạo bị rách sâu, rách phức tạp, thậm chí có thể rách đến trực tràng hậu môn đưa đến tình trạng đi cầu không kiểm soát, thậm chí có thể để lại những lỗ rò từ trực tràng lên âm đạo.
- Âm đạo bị tổn thương nghiêm trọng sẽ tạo thành sẹo xơ chai, không thể giãn nở tốt khiến “quan hệ vợ chồng” có thể bị đau.
- Có thể bị chít hẹp âm đạo, dính âm đạo.
- Tiềm ẩn nguy cơ băng huyết sau sinh, phải cắt tử cung, truyền máu....
Phụ nữ mang thai to tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe (Nguồn: Internet)
Trường hợp thai phụ không thể sinh thường sẽ phải mổ lấy thai và nó có thể để lại nhiều di chứng nặng nề như: nhiễm trùng, viêm phúc mạc, bị dính tử cung, bị đau do dính, xuất hiện nang dạng dính trong bụng...
Nguy cơ cho em bé
- Thai nhi to hơn chuẩn khi sinh ra bé có thể bị gãy xương đòn, bị giãn đốt sống cổ, tổn thương đám rối thần kinh cánh tay. Sau này, em bé có thể sẽ bị liệt đám rối thần kinh cánh tay, rạn đốt sống cổ...
- Trẻ sơ sinh tiềm ẩn nguy cơ suy hô hấp, hạ đường huyết...
- Cân nặng khi sinh cũng có liên quan đến cân nặng sau này. Thai lớn có thể dẫn đến béo phì ở trẻ trong tương lai và các vấn đề sức khỏe đi kèm.
- Đặc biệt, có đến ¼ trẻ sinh ra có mẹ bị bệnh tiểu đường sẽ trở thành người bị bệnh tiểu đường thật sự.
Nhìn chung, thai to không hẳn là điều đáng mừng chính vì thế các mẹ bầu cần phải chú ý hơn trong quá trình mang thai, tránh rơi vào tình trạng thai quá lớn để con sinh ra sẽ được an toàn và khỏe mạnh.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ tại audio bên dưới:
Như thế nào được gọi là thai suy dinh dưỡng? : Dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển của thai nhi. Nếu mẹ bầu ăn không đủ chất có thể khiến thai suy dinh dưỡng và gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe khác.