Lan tỏa tinh thần yêu thương với cộng đồng từ những việc chúng ta tưởng chừng là nhỏ thôi, nhưng với bệnh nhân không may trải qua biến cố cuộc đời, bệnh tật đổ xuống thành người tàn phế thì với họ đó là chiếc phao cứu sinh của tình nhân ái.
Đến với trạm y tế phường 3, quận 3, có dịp chứng kiến không khí tập luyện rất ấm áp, thân tình và nhìn ánh mắt rạng ngời hy vọng của các cô, các bác, chúng tôi không nghĩ cách đây vài năm, họ sau biến cố đối diện với bức tường tuyệt vọng mà cố rướn mãi, rướn mãi họ vẫn loay hoay không tìm ra nguồn hy vọng sống. Bế tắc, tuyệt vọng, khủng hoảng tâm lý đó là tâm trạng mà bản thân bệnh nhân sau tai biến phải đối mặt. Dù được sự quan tâm, chăm sóc của gia đình nhưng trong thâm tâm họ, tự nhận mình đã là người tàn – phế mà đã tàn phế thì sự tự ti, mặc cảm luôn ngự trị, xua đuổi bóng ma của sự dằn vặt, khổ sở ấy ra khỏi con người không là điều đơn giản
Điểm hay của đề án này là khi kỹ thuật viên, bác sĩ của Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp rút đi, thì y tế cơ sở ngay tại địa bàn phường, xã đó đều được chuyển giao và tự duy trì thực hiện tiếp tục cho người dân trên địa bàn. Kỹ thuật viên Trường Giang và bác sĩ Trần Thanh Nhã thành viên trong dự án trực thuộc Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp, cảm thấy công việc mình làm vui, khi được góp nhặt, tiếp lửa để các bệnh nhân vì lý do nào đó gặp bất trắc, hay bệnh tật không may tàn phế tìm lại được ánh sáng của niềm hy vọng.
Năm 2018, chương trình được triển khai đầu tiên tại Quận 8, Quận 4, Quận 6 và Tân Phú. Năm 2019-2020 triển khai thêm tại 8 quận huyện vùng sâu vùng xa như huyện đảo Cần Giờ, Gò Vấp, Tân Bình, Quận 11, Bình Chánh, Nhà Bè, Quận 2, Quận 3. Với mô hình khám và điều trị tại cộng đồng, các trạm y tế xã phường thông báo danh sách người khuyết tật tại địa phương. Bệnh viện cử bác sĩ đến khám, lượng giá và chỉ định các kỹ thuật viên đến tập cho người khuyết tật với thời lượng 30 đến 60 phút/ngày thực hiện 5 ngày/tuần trong 3 tháng. Đối với người khuyết tật có hoàn cảnh neo đơn, nặng và đặc biệt nặng không đi lại được…các bác sĩ và kỹ thuật viên sẽ đến tận nhà để khám và thực hiện các phương pháp phục hồi chức năng và điều đặc biệt là hoàn toàn miễn phí. Qua 3 năm dự án thu dung, phục hồi chức năng hơn 1000 bệnh nhân. Thông số thật ngắn gọn nhưng trải dài hành trình đó là biết bao câu chuyện của nhiều gia đình, nhiều bệnh nhân mà niềm vui lớn nhất là họ tìm lại nụ cười trên môi. Mỗi người một câu chuyện khác nhau, họ tìm đến bác sĩ chia sẻ nỗi lòng của mình để rồi cùng nhau, bác sĩ, bệnh nhân bắt tay đồng hành trong một hành trình tìm lại nụ cười bệnh nhân. Nói như bác sĩ Phan Minh Hoàng – Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp, bởi vì nụ cười bệnh nhân chính là niềm hạnh phúc của chúng tôi, những người thầy thuốc.
Qua thực hiện đề án này, giá trị cao cả, nhân văn hơn mà chúng tôi cảm nhận được đó chính là sự vực dậy, giúp bệnh nhân đứng lên vượt nghịch cảm, để tìm về chính mình của ngày xưa. Một cuộc sống của mình, là mình trước kia. Một niềm hy vọng sống, niềm tin với cuộc đời .Và không ai khác, chính đội ngũ y bác sĩ là những người từng bước tháo dỡ khó khăn, mở cánh cửa tương lai, hy vọng cho bệnh nhân.
“Đề án hỗ trợ Người khuyết tật tại cộng đồng” là đề cử tham gia giải thưởng thành tựu y khoa Việt Nam 2020.
Cập nhật thông tin chương trình tại: https://www.facebook.com/ThanhTuuYKhoaVietNam
Nghe trực tuyến tại: https://radio.voh.com.vn/thanh-tuu-y-khoa-821.html