Một trong những hệ cơ quan đó là hệ tuần hoàn. Trong các tuần hoàn của cơ thể người, hệ bạch huyết có một vai trò vô cùng quan trọng. Cùng với các hệ động và tĩnh mạch, hệ bạch huyết giúp luân chuyển các dịch tuần hoàn trong cơ thể chúng ta. Tuy nhiên, hệ bạch huyết vốn là những cơ quan khó có thể quan sát bằng mắt thường, thế nên việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý này cũng vô cùng khó khăn và chưa phổ biến ở Việt Nam.
Lấy ví dụ, có bệnh nhân bị bệnh về gan, đến bệnh viện phẫu thuật và ca phẫu thuật gan đã thành công. Tuy nhiên, bệnh nhân này lại gặp vấn đề với rò bạch huyết, điều này khiến bệnh nhân bị chảy dịch trắng từ cơ thể, sau đó tử vong do suy kiệt, mất dưỡng chất và mất dịch, nếu các phẫu thuật viên không có kịch nghiệm và các kỹ thuật trong việc xử lý rò bạch huyết, bệnh nhân rất có nguy cơ tử vong. Bạn đọc có thể thấy, dù đã phẫu thuật thành công căn bệnh nghiêm trọng nhưng lại gặp nguy hiểm do một bệnh lý không liên quan là điều vô cùng đáng tiếc.
Thấy được điều này, bác sĩ Nguyễn Ngọc Cương - người được lãnh đạo bệnh viện Đại Học Y Hà Nội tin tưởng giao phó trách nhiệm học tập, nghiên cứu đã sang Nhật Bản học tập những kỹ thuật của nước bạn. Đồng thời, trong quá trình này, anh cũng tìm tòi, nghiên cứu những phương pháp để áp dụng vào tình hình chẩn đoán và điều trị rò bạch huyết tại Việt Nam. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Cương chia sẻ: “Trong quá trình điều trị, chứng kiến các bệnh nhân hồi phục sau mổ rất tốt nhưng lại dần suy kiệt vì rò dịch bạch huyết mỗi ngày, ekip các bác sĩ lại càng quyết tâm thực hiện cho được kỹ thuật này để cứu bệnh nhân”.
Nếu hệ bạch huyết không thể quan sát được bằng mắt thường và các bệnh lý hệ bạch huyết cũng khó phát hiện và điều trị, vậy làm thế nào để có thể chẩn đoán và xử lý những vấn đề phức tạp do căn bệnh này gây ra? Cơ sở của phương pháp chụp và can thiệp đường bạch huyết là sử dụng một lượng thuốc cản quang. Sau đó, thuốc này được bơm vào hạch ngoại vi với đường dẫn của siêu âm. Một lượng thuốc nhỏ sẽ được bơm với tốc độ rất chậm và sẽ đi theo đường đi của bạch huyết. Việc làm này đòi hỏi bác sĩ phải thật tập trung, tỉ mẩn và có kỹ thuật cao. Sau đó, bằng các phương tiện chụp chiếu, chẩn đoán hình ảnh, toàn bộ hệ thống bạch huyết theo đường đi của thuốc cản quang sẽ được hiện hình, qua đó các bác sĩ sẽ phát hiện các bệnh lý liên quan đến bạch huyết như rò bạch huyết, ứ đọng bạch huyết, giãn hoặc dị dạng đường bạch huyết. Biết được các bệnh lý về hệ bạch huyết, từ đó các sĩ sẽ có những bước kế tiếp để chuẩn bị và điều trị cho bệnh nhân một cách toàn diện nhất.
Vậy là những vấn đề khó khăn do rò bạch huyết và những bệnh lý bạch huyết liên quan đã được Bác sĩ Nguyễn Ngọc Cương cùng ekip của mình xử lý được bằng sự tận tâm và ham học hỏi. Trong những năm qua, các ca bệnh liên quan đến rò bạch huyết được chữa khỏi ở bệnh viện Đại Học Y Hà Nội ngày càng nhiều. Nhận xét về thành tựu này, Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Phạm Đức Huấn, nguyên PGĐ bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Với kỹ thuật này chúng ta có thể xác định chắc chắn vị trí rò, tỷ lệ thành công rất cao, kết quả thấy được trong 1-2 ngày.”
Khép lại thành tựu Y Khoa về việc áp dụng Kỹ thuật mới về chẩn đoán và điều trị can thiệp các bệnh lý hệ bạch huyết tại Việt Nam, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy việc nhạy bén của các bác sĩ trẻ trong công tác nghiên cứu, học hỏi và áp dụng các kỹ thuật mới vào thực tiễn. Đồng thời, cũng là sự hỗ trợ của những bậc thầy đi trước. Việc áp dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý hệ bạch huyết tại Việt Nam chắc chắn sẽ là một bước tiến mới cho ngành y Việt Nam, để những bệnh lý về hệ bạch huyết không còn là một ẩn số với các y bác sĩ, và là nỗi ám ảnh với các bệnh nhân.
“Áp dụng các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý hệ bạch huyết tại Việt Nam – BV ĐH Y Hà Nội” là đề cử tham gia giải thưởng thành tựu y khoa Việt Nam 2020.
Cập nhật thông tin chương trình tại: https://www.facebook.com/ThanhTuuYKhoaVietNam
Nghe trực tuyến tại: https://radio.voh.com.vn/thanh-tuu-y-khoa-821.html