Bệnh viện Nhi đồng 1 đã gửi mẫu của bệnh nhi trên sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM để thực hiện xét nghiệm PCR để có kết luận chính xác. Dự kiến khoảng 1-2 ngày tới sẽ có kết quả.
Theo thông tin từ Sở Y tế TPHCM, trong tuần từ ngày 22 đến 28/5, thành phố ghi nhận 157 ca tay chân miệng, tăng 47,1% so với trung bình 4 tuần trước (107 ca).
Trong đó, số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và các trường hợp khám ngoại trú so với trung bình 4 tuần trước. Số mắc tích lũy đến tuần 21 là 1.670 ca.
Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh chân tay miệng lây chủ yếu theo đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.
Do vậy, các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, dễ phát thành các ổ dịch.
Dịch tay chân miệng có thể gặp quanh năm. Tuy nhiên, bệnh có xu hướng tăng cao và khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.
Bệnh chân tay miệng ở trẻ em nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thường không dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Một vài trường hợp phát hiện trễ, bệnh có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như: Viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não. Biểu hiện như giật mình, ngủ gà, bứt rứt, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược, rung giật nhãn cầu, yếu liệt chi, co giật, hôn mê…
Trẻ có thể bị biến chứng viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch, có thể tử vong nhanh chóng nếu không được xử lý kịp thời.
Ngày 30/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk báo cáo vừa ghi nhận một trường hợp bệnh nhi tử vong vì bệnh tay chân miệng độ 4, với chẩn đoán sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết tổn thương đa cơ quan.