Thức giấc giữa đêm: Cơ thể đang báo động gì?

VOH - Nhiều người bất ngờ tỉnh giấc giữa đêm lúc 2-3h sáng mà không hiểu vì sao. Đây không chỉ là rối loạn giấc ngủ đơn thuần.

Một giấc ngủ trọn vẹn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Ngày càng nhiều người rơi vào tình trạng thức dậy giữa đêm, đặc biệt vào khoảng 3 giờ sáng và không thể quay lại giấc ngủ. Không chỉ gây mệt mỏi vào hôm sau, đây còn là dấu hiệu cảnh báo bất ổn đang diễn ra trong cơ thể.

649942b328279a79c336
Mệt mỏi vì tỉnh giấc nửa đêm tình trạng phổ biến trong xã hội hiện đại - Ảnh: internet

Nguyên nhân không đơn thuần là mất ngủ

1. Rối loạn chu kỳ giấc ngủ sinh học

Khoảng 3 giờ sáng là thời điểm cơ thể chuyển từ giấc ngủ sâu sang giấc ngủ mơ (REM). Nếu đồng hồ sinh học bị rối loạn do làm việc khuya, lệch múi giờ hoặc thường xuyên thay đổi lịch sinh hoạt cơ thể rất dễ bị đánh thức vào khung giờ này.

2. Áp lực tâm lý kéo dài

Nhiều người thức dậy vào đúng một khung giờ mỗi đêm và không thể ngủ lại, cảm giác bồn chồn, tim đập nhanh đó là biểu hiện rõ ràng của lo âu hoặc trầm cảm tiềm ẩn. Khi hệ thần kinh giao cảm hoạt động quá mức, giấc ngủ trở nên chập chờn, đứt đoạn.

3. Dấu hiệu của bệnh lý tiềm ẩn

Tỉnh giấc giữa đêm có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe như:

  • Ngưng thở khi ngủ: thường kèm theo ngáy to, cảm giác nghẹt thở giữa đêm.
  • Tiểu đêm: do rối loạn thận, tiểu đường hoặc phì đại tuyến tiền liệt.
  • Cường giáp hoặc rối loạn nội tiết: gây kích thích thần kinh và rối loạn giấc ngủ.

4. Tác động từ thiết bị công nghệ

Thói quen sử dụng điện thoại, tivi, máy tính bảng trước khi đi ngủ khiến não bộ tiếp xúc với ánh sáng xanh – ức chế sản sinh melatonin, hormone gây buồn ngủ. Không chỉ gây khó ngủ, nó còn làm bạn dễ bị đánh thức giữa đêm.

882eeb03819733c96a86
Thao thức nhìn đồng hồ lúc nửa đêm biểu hiện thường gặp ở người mắc rối loạn giấc ngủ - Ảnh: internet 

Hệ quả nếu không can thiệp kịp thời

Thức giấc giữa đêm nhiều lần trong tuần có thể kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng:

  • Giảm trí nhớ và khả năng tập trung
  • Tăng nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu
  • Tăng nguy cơ bệnh tim mạch, huyết áp cao
  • Giảm hiệu suất lao động và học tập vào ngày hôm sau

Một nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ) chỉ ra rằng những người ngủ không liền mạch sẽ có chỉ số cortisol (hormone căng thẳng) cao hơn gấp 2 lần so với người ngủ sâu đều đặn.

6 cách đơn giản giúp bạn ngủ xuyên đêm

1. Ổn định lịch trình ngủ - thức: Cố định giờ đi ngủ và thức dậy mỗi ngày để đồng hồ sinh học làm quen.

2. Tránh ăn quá no, uống nhiều nước vào tối muộn: Thói quen ăn khuya, uống nước trước khi ngủ dễ gây khó tiêu hoặc tiểu đêm.

3. Giới hạn thiết bị điện tử: Tắt thiết bị ít nhất 30 phút trước khi ngủ, ưu tiên đọc sách, nghe nhạc nhẹ, tập thở sâu.

4. Không để đồng hồ trong tầm mắt: Việc nhìn đồng hồ khi thức dậy giữa đêm có thể gây lo âu, áp lực về giấc ngủ.

5. Thư giãn tinh thần: Thực hành thiền, yoga, hoặc viết nhật ký trước khi ngủ để giải tỏa căng thẳng.

6. Thăm khám nếu triệu chứng kéo dài: Nếu tình trạng kéo dài trên 2 tuần, cần được kiểm tra chuyên khoa giấc ngủ hoặc thần kinh.

Đừng xem nhẹ việc hay tỉnh giấc lúc 3h sáng. Đó có thể là tín hiệu đầu tiên cho thấy cơ thể và tâm trí bạn đang mệt mỏi, cần được chăm sóc đúng cách. Để có giấc ngủ sâu, không chỉ thay đổi thói quen sinh hoạt mà còn cần quan tâm đến sức khỏe tinh thần mỗi ngày.

Bình luận